Khối ngoại trở lại mua ròng cũng sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực, nhưng cần để ý rằng áp lực bán ra tại nhóm cổ phiếu đầu cơ là không hề nhỏ và có thể ảnh hưởng đến tâm lý chung của giới đầu tư.
I. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN NGÀY 13.01.2015
- Đà tăng của VN-Index được nới rộng với mức tăng khá 0.81% lên 574.32 điểm, trong khi đó HNX-Index giảm 1.09% xuống 84.72 điểm. Chỉ có VS-Large Cap tăng điểm với 1.61%, còn lại VS-Mid Cap, VS-Micro Cap và VS-Small Cap đều giảm điểm, lần lượt 0.40%, 0.71% và 0.83%.
- Số ngành giảm điểm chiếm ưu thế với tỷ lệ 16/23 nhóm ngành; trong đó, nhóm CNTT – Truyền thông giảm mạnh nhất với 2.04%, tiếp theo là Vận tải – Kho bãi (-2.01%), Thiết bị điện – Đ.tử VT (-1.71%), Tiện ích công (-1.41%)… Ở chiều ngược lại, nhóm Bảo hiểm tăng 1.28%, Nông – Lâm – Ngư tăng 0.89%, SX Vật liệu xây dựng tăng 0.70%... Tại các nhóm ngành nóng, duy chỉ có nhóm Ngân hàng vững đà tăng 0.67%, còn lại nhóm Khai khoáng, Chứng khoán, Xây dựng, Bất động sản giảm lần lượt 1.36%, 0.98%, 0.74% và 0.34%.
- Các cổ phiếu vốn hóa lớn đang đóng vai trò là trụ đỡ vững chắc của các chỉ số thị trường. Đặc biệt trong phiên hôm nay khi GAS “một mình” tăng kịch trần trong suốt phiên giao dịch sau thông tin mua cổ phiếu quỹ. Ngoài ra, nhóm Ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì được vị thế dẫn dắt thị trường khi VCB, STB, CTG, BID… đều xanh điểm, nổi bật là BID tăng kịch trần khớp hơn 3.5 triệu cp, với dư mua lớn tại giá trần khi kết thúc phiên với thông tin KQKD cả năm 2014.
- Áp lực tháo hàng lan rộng ra phần lớn các nhóm ngành, chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu đầu cơ khi ITQ, OGC, ITA, FLC, SCR, KLF… chìm trong sắc đỏ. OGC tiếp tục hứng chịu áp lực bán sàn rất mạnh ngay từ đầu phiên, tuy nhiên lực cầu bắt đáy mạnh mẽ đã giúp cổ phiếu này thoát khỏi giá sàn một cách ngoạn mục. Kết thúc phiên, tổng khối lượng khớp lệnh của OGC đạt hơn 32 triệu cổ phiếu, chiếm 26% tổng khối lượng giao dịch trên HOSE.
- Top cổ phiếu vốn hóa lớn tác động khá mạnh đến VN-Index trong phiên hôm nay, cụ thể GAS, BID, VCB, MSN, STB, BVH, CTG, NCT… đã giúp chỉ số này tăng hơn 1.53%, lớn hơn rất nhiều so với mức tăng của VN-Index. Ở chiều ngược lại, chỉ riêng VNM đã kéo VN-Index giảm 0.3%. Trên HNX, top những cổ phiếu với ACB, HGM, PLC, VCS, NET, BTS… đã kéo HNX-Index tăng gần 0.3%, trong khi PVS, SHB, VCG, NVB, PVX, NTP, SEB, KLF, VIX, LAS kéo chỉ số này giảm tương đương 0.744%.
- Thanh khoản diễn biến trái chiều trên hai sàn sau phiên giao dịch đầu tuần. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trên HOSE tăng 18.33% đạt 123.24 triệu đơn vị với đóng góp không nhỏ từ OGC; trong khi trên HNX giảm 20.84% khớp 44.06 triệu đơn vị.
- Khối ngoại đã trở lại mua ròng trên cả hai sàn sau những phiên bán ròng mạnh những phiên cuối tuần trước. Theo đó, trên HOSE, họ mua ròng với giá trị 48.13 tỷ đồng, còn trên HNX, con số này đạt 9.91 tỷ đồng. Trên HOSE, khối ngoại mua ròng nhiều nhất ở VCB (13.43 tỷ đồng), HT1 (10.02 tỷ đồng), BID (9.28 tỷ đồng), STB (8.96 tỷ đồng)... và bán ròng mạnh nhất ở KDC(19.76 tỷ), CTG (13.02 tỷ đồng), PVD (8.44 tỷ đồng). Trên HNX, họ mua ròng mạnh nhất ở PVS (3.09 tỷ đồng), SHB (2.38 tỷ đồng), VCG (1.54 tỷ đồng).
- Cùng với vị thế dẫn dắt của nhóm Ngân hàng, các cổ phiếu họ Dầu khí mà đặc biệt là GAS đang là trụ đỡ vững chắc cho các chỉ số thị trường. Khối ngoại trở lại mua ròng cũng sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực, nhưng cần để ý rằng áp lực bán ra tại nhóm cổ phiếu đầu cơ là không hề nhỏ và có thể ảnh hưởng đến tâm lý chung của giới đầu tư.
PHÂN TÍCH KỸ THUẬT
Phân tích Xu hướng và Dao động giá
VN-Index – MACD chuẩn bị vượt lên trên ngưỡng 0. VN-Index tiếp tục tăng trưởng trong phiên giao dịch ngày 12/01/2015. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý sự tăng trưởng này có sự đóng góp rất lớn từ sự bứt phá của GAS.
Rising Window xuất hiện cho thấy tâm lý nhà đầu tư tiếp tục tích cực trong ngắn hạn. MACD vẫn đang đi lên liên tục và có nhiều khả năng sẽ vượt lên trên đường 0 ngay trong tuần này. Bên cạnh đó, hai đường +DI và -DI của Directional Movement System đã cho tín hiệu mua mạnh nên rủi ro đã giảm bớt khá nhiều.
Khối lượng khớp lệnh tăng mạnh và vượt lên trên mức trung bình 20 phiên gần nhất (tương đương 98 triệu đơn vị), nhưng có sự đóng góp không nhỏ từ OGC (khớp lệnh đạt hơn 32 triệu đơn vị, chiếm 26% toàn HOSE).
Đường SMA300 đã bị phá vỡ hoàn toàn. Đường này hiện đang duy trì trong vùng 566 – 570 điểm và sẽ đóng vai trò hỗ trợ nếu VN-Index giảm mạnh trở lại.
HNX-Index – Thanh khoản sụt giảm. Khối lượng trên HNX-Index giảm khá mạnh và rơi xuống dưới mức trung bình 20 phiên gần nhất (tương đương 50 triệu đơn vị). Kết hợp với mẫu hình nến đỏ dài xuất hiện chứng tỏ nhà đầu tư đang khá thận trọng trong ngắn hạn.
Chỉ báo Stochastic Oscillator đã đi lên mức cao và ở gần vùng overbought. Nếu chỉ báo này cho tín hiệu bán trong vài phiên tới thì nguy cơ điều chỉnh sẽ tăng lên.
Nếu đà giảm quay trở lại thì vùng 77.5 – 79.5 điểm sẽ đóng vai trò hỗ trợ. Vùng này đã tồn tại từ tháng 07/217 và có hai lần hỗ trợ hiệu quả cho HNX-Index trong năm qua.
Phân tích Market Strength
VS-Arms VN tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 12/01/2015 cho thấy bên bán chiếm ưu thế. EMA 5 ngày của VS-Arms VN đang đứng ở mức 0.99 cho thấy cung cầu cân bằng trong 5 phiên vừa qua.
VS-LBR VN đạt 0.67 trong phiên giao dịch ngày 12/01/2015 cho thấy nhà đầu tư lớn tham gia mạnh trong phiên này. EMA 5 ngày đang đứng ở mức 0.66 cho thấy nhà đầu tư lớn tham gia mạnh vào thị trường trong ngắn hạn.
Phân tích Dòng tiền
Biến động của dòng tiền thông minh: Tại phiên ngày 12/01/2015, VS-NVI VN duy trì trên EMA 5 ngày. Điều này cho thấy dòng tiền thông minh đang bơm vào thị trường trong ngắn hạn. Nếu trong vài phiên tới VS-NVI VN vẫn duy trì trên EMA 5 ngày và EMA 20 ngày thì nguy cơ giảm sâu sẽ được hạn chế.
Biến động của dòng tiền từ khối ngoại: Khối ngoại mua ròng trong phiên giao dịch ngày 12/01/2015 (dữ liệu khớp lệnh, không tính thỏa thuận). Tuy nhiên, đường EMA 5 ngày và EMA 20 ngày của NetValForVN liên tục dao động xoay quanh đường 0 nên rủi ro vẫn còn.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 12.01.2015
Phòng Nghiên cứu Vietstock