Skip to content Skip to navigation

     

    

Chức năng mới *

Tư vấn online TTCK phái sinh trading liên tục trong phiên.

Click để tham gia ngay

  

   

   

Cuối tuần vừa qua chúng tôi có bài viết trả lời phỏng vấn báo ĐTCK như sau

http://tinnhanhchungkhoan.vn/nhan-dinh/goc-nhin-chuyen-gia-tuan-moi-con-...

(ĐTCK) Trao đổi với nhà báo Hải Vân trong chuyên mục bàn tròn tuần này, các chuyên gia chứng khoán cho rằng, VN-Index sẽ tiếp cận vùng kháng cự 582 +/-3 trong tuần tới, sau đó sẽ điều chỉnh trở lại. Sau khi điều chỉnh, nếu xuất hiện nhóm dẫn dắt, thị trường sẽ bước vào Uptrend trung hạn.

Thị trường đã có 4 phiên hồi phục vào cuối tuần, giải tỏa áp lực “lò xo nén”, liệu đã có đủ cơ sở cho một đợt tăng điểm mới chưa, theo ông/bà?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Thị trường tăng điểm mạnh, nhưng phần nhiều là các bluechips tăng điểm và nhờ giá dầu thế giới phục hồi quá ấn tượng, hỗ trợ cho cổ phiếu dầu khí tăng điểm, kéo TTCK lên theo. 

Theo tôi, đợt tăng ngắn hạn là đã xác định rõ, nhưng để quay trở lại xu hướng tăng trung dài hạn thì phải vượt được mốc 580-590 vốn là hỗ trợ trung hạn cũ bị mất đi trong đợt điều chỉnh giảm hồi đầu tháng 8.

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc môi giới CTCK MBS

Sau diễn biến thị trường tài chính trong 2 tuần vừa qua, thì điều đáng quan tâm nhất hiện nay là Uptrend dài hạn 5- 7 năm mà tôi đưa ra từ 11/2012 đã chấm dứt hay chưa. Với diễn biến 3 phiên cuối tuần vừa qua thì có thể thấy rằng, ngưỡng VNI 510 +/-, tương đương mức điều chỉnh 50% của Uptrend hơn 2 năm qua là khá vững vàng. Do đó tôi cho rằng, Uptrend dài hạn chưa chấm dứt, vì vậy tôi vẫn kỳ vọng thị trường còn tạo rất nhiều cơ hội trong 4 - 5 năm tới.

Vấn đề liệu đã có 1 đợt tăng điểm mới hay chưa (hiểu theo ý trend trung hạn 4 - 6 tháng) tính từ mốc 25/8/2015, thì có lẽ hiện nay còn quá sớm để khẳng định điều này vì thị trường vẫn có 1 kịch bản nữa là sẽ test lại ngưỡng 510 +/- 1 lần nữa, rồi sau đó mới đủ lực để đi lên 1 cách bền vững. 

 Ông Dương Văn Chung

Kịch bản này được đưa ra vì trong 3 phiên vừa qua, những cổ phiếu tăng mạnh nhất lại đến chủ yếu từ những mã giảm sâu, rất ít mã tăng mạnh nhờ nội lực cơ bản tốt (trừ những cổ phiếu chứng khoán hết room) - đây là đặc thù của 1 sóng hồi chứ chưa phải đặc trưng của 1 Uptrend trung hạn.

Để có đủ cơ sở để khẳng định 1 Uptrend trung hạn (4 - 6 tháng) thì tôi cần quan sát nhịp điều chỉnh của thị trường sau khi chạm vùng 582 +/- 3. Khi các lớp cổ phiếu phân hóa thì kết luận sẽ dễ dàng hơn. Tôi dự báo, sau 15/9, các lớp cổ phiếu sẽ phân hóa rất rõ ràng, lớp cổ phiếu dẫn dắt nếu xuất hiện tại thời điểm đó thì tôi cho rằng mốc 511 vào ngày 25/8 chính thức là đáy của 1 Uptrend trung hạn, còn nếu sau 15/9 nhóm cổ phiếu dẫn dắt chưa xuất hiện thì chúng ta sẽ phải đợi tới cuối tháng 10 mới có 1 chân sóng thực sự.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng nhóm phân tích thị trường, CTCK VCBS

Sự bật nhanh trở lại của 4 phiên giao dịch cuối tuần, theo tôi, phần nhiều mang tính chất kỹ thuật sau quá trình lao dốc giảm sâu của thị trường trước áp lực bán quá ồ ạt. 

Tâm lý có phần hoảng loạn của các nhà đầu tư, cả trong nước và thế giới, đã được xoa dịu bởi một số thông tin tích cực sau đó như việc (1) căng thẳng về tỷ giá và lãi suất trong nước hạ nhiệt; (2) thị trường cổ phiếu Trung Quốc phục hồi sau những biện pháp can thiệp tiếp theo của PBoC; (3) FED nhiều khả năng sẽ chưa sớm nâng lãi suất trong tháng 9 sắp tới; (4) giá dầu thế giới tăng mạnh trở lại. 

Tuy nhiên, nếu nhìn trung và dài hạn, tôi đánh giá, nền tảng kinh tế vĩ mô quốc tế và trong nước chưa có chuyển biến tích cực rõ nét. Theo đó, tôi cho rằng, hiện tại chưa đủ cơ sở vững chắc cho một sóng tăng mới bền vững.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS

Thị trường cuối tháng 8 vừa qua đã bị tác động bởi một chuỗi tin xấu dồn dập liên tục đã kéo thị trường về điểm đáy của những đợt điều chỉnh trước đây. 

Việc chỉ số VN-Index bật lại quá nhanh trong tuần này đến chủ yếu từ nhóm cổ phiếu dầu khí là chính, với các phiên trần hết biên độ của GAS và PVD, kéo theo các nhóm cổ phiếu còn lại. 

Ông Nguyễn Hồng Khanh 

Việc suy giảm quá mức đã khiến nhiều cổ phiếu trở nên rẻ hơn và vì vậy, đợt tăng này có lẽ chỉ mới lấy lại một phần những gì đã mất thời gian qua và tiến trình tăng điểm của thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. Dĩ nhiên là sau khi đã tăng gần 60 điểm sau 4 phiên, thị trường sẽ có vài phiên điều chỉnh xen kẽ. 

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược đầu tư, CTCK MSI

Hiện nay, tôi chỉ mới có thể nói rằng, VN-Index đã chạm đáy điều chỉnh đợt vừa qua và ngưỡng hỗ trợ 515 điểm là ngưỡng hỗ trợ "Beton" không thể xuyên phá trong hiện tại và thị trường nếu có điều chỉnh sau đợt hồi phục này, thì cũng chỉ giảm tối đa về ngưỡng 545 điểm rồi sẽ lại xu hướng tăng điểm đi lên tiếp. Ít nhất là thị trường sẽ phải điều chỉnh vào tuần tới chứ chưa thể bắt đầu ngay 1 đợt tăng điểm mới.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Khối phân tích, CTCK Bảo Việt (BVSC) 

Thị trường đã cho phản ứng hồi phục mạnh mẽ sau khi chớm xuống dưới vùng đáy 513 điểm được thiết lập vào tháng 12/2014 với tâm lý hoảng loạn và áp lực giải chấp gần như lên đến đỉnh điểm. Bên cạnh đó, các yếu tố tác động tiêu cực đến thị trường thời gian qua như tỷ giá hay diễn biến lao dốc của giá dầu đã tạm thời ổn định trở lại trong ngắn hạn. 

Với những yếu tố đó, thị trường đang có cơ sở cho một đợt hồi phục trong ngắn hạn. Tuy nhiên sau một nhịp lao dốc và VNINDEX đã phá vỡ liên tiếp các vùng hỗ trợ mạnh thì xu hướng trung hạn của thị trường vẫn còn khá nhiều rủi ro bất chấp các tín hiệu bật tăng mạnh mẽ trong ngắn hạn.

Nhiều mã giảm điểm mạnh nhất thời gian qua, trong đó nổi bật là các mã bluechips thuộc họ dầu khí và ngân hàng. Tuy vậy, những diễn biến “bấp bênh” về tỷ giá và giá dầu sẽ là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến nhóm này. Theo các ông, xét trong ngắn hạn, nhóm cổ phiếu nào sẽ có sức bật nhanh hơn khi thị trường hồi phục?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Nhóm dầu khí dưới sự hỗ trợ của giá dầu trong ngắn hạn, trung hạn tôi thấy dòng chứng khoán, bất động sản có thể hút được dòng tiền nhiều hơn.

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc môi giới CTCK MBS

Trong 1 Uptrend trung hạn 4 - 6 tháng thì đoạn đầu sóng bao giờ cũng là những cổ phiếu giảm sâu với thanh khoản cao trước đó sẽ bật mạnh. Nhưng những cổ phiếu này thường không bền và chỉ có thể duy trì đà tăng mạnh khoảng 5 - 8 phiên. 

Với diễn biến thị trường tài chính thế giới và trong nước thời gian vừa qua, thì tôi cho rằng, những cổ phiếu thuộc họ dầu khí và ngân hàng sẽ có sức bật mạnh khi thị trường hồi phục giai đoạn đầu. Nhưng tôi không cho rằng, 2 nhóm cổ phiếu này đủ sức để đóng vai trò dẫn dắt thị trường cho cả 1 sóng dài, vì nội tại 2 nhóm ngành này chưa thể có tiến triển tốt trong trung hạn. Sự hồi phục của 2 nhóm cổ phiếu này trong 3 phiên vừa qua đơn giản chỉ là hồi phục kỹ thuật và nó còn có thể kéo dài trong 3 - 5 phiên tới.

Nhóm cổ phiếu có sức tăng mạnh trong cả 1 Uptrend trung hạn sắp tới để đóng vai trò dẫn dắt thị trường, tôi cho rằng, sẽ lộ diện sau 15/9. Tại thời điểm này, tôi đưa ra 2 nhóm ứng cử viên có thể đóng vai trò dẫn dắt thị trường là nhóm cổ phiếu chứng khoán (đặc biệt là nhóm hết room) và nhóm cổ phiếu bất động sản.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng nhóm phân tích thị trường, CTCK VCBS

Mỗi khi thị trường giảm mạnh, những cổ phiếu nào giảm mạnh nhất thị trường thường có xu hướng bật tăng nhanh trở lại, đặc biệt là các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt hoặc có thông tin hỗ trợ sau khi đã bị chiết khấu giá quá nhiều. 

Do đó, việc nhóm ngành dầu khí và ngân hàng trở thành tâm điểm trong đợt hồi phục này hoàn toàn không có gì bất ngờ, nhất là trong bối cảnh giá dầu thô thế giới hồi phục rất mạnh tới hơn 10% chỉ trong 1 phiên và tỷ giá hạ nhiệt với cam kết sẽ không tăng thêm từ nay đến cuối năm của Ngân hàng Nhà nước.

 Ông Trần Minh Hoàng
Ngoài ra, diễn biến của phiên cuối tuần cho thấy, sức hút của các cổ phiếu nới room (mà trước hết là ở nhóm chứng khoán) chưa hề bị nguội đi. Theo đó, nhiều khả năng nhóm cổ phiếu này cũng sẽ là một trong những điểm đến của dòng tiền trong tuần tiếp theo khi hiệu ứng nới room được lan rộng.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS

Họ dầu khí đã mất gần hết những gì đã có trong năm 2014 và đặc biệt với những cổ phiếu lớn như GAS và PVD đã giảm gần như chỉ cách đáy lịch sử của những cổ phiếu này khoảng 10%-15%. 

Dòng tiền đổ xô vào bắt đáy nhóm này do giá cổ phiếu đã quá thấp và nếu xét về giá trị thì giá này đã trở nên hấp dẫn. Tuy nhiên, với những diễn biến phức tạp của giá dầu và tỷ giá trong thời gian tới thì chu kỳ tăng trưởng của nhóm cổ phiếu dầu khí có lẽ mang tính ngắn hạn nhiều hơn. 

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược đầu tư, CTCK MSI

Có lẽ những cổ phiếu nào giảm mạnh và sâu nhất vừa qua là những cổ phiếu đã và đang thể hiện sức bật về điểm số tốt nhất. Một số cổ phiếu họ dầu khí, bảo hiểm tốt nhất và một số nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ việc giá dầu giảm, thông tin nới room cho khối ngoại hay là câu chuyện TPP, như hóa chất, nhựa, dệt may, vật liệu xây dựng, vận tải biển và nhất là chứng khoán sẽ là tâm điểm của dòng tiền cũng như khả năng tăng điểm tốt trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Khối phân tích, CTCK Bảo Việt (BVSC) 

Tôi cho rằng, sau khi đà tăng của nhóm cổ phiếu thuộc họ dầu khí, ngân hàng và các mã đầu cơ đã giảm mạnh trong nhịp lao dốc vừa qua của thị trường chững lại, thì nhóm cổ phiếu thuộc nhóm ngành chứng khoán, bảo hiểm và các cổ phiếu đã kín room giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư và tạo sức bật nhanh hơn khi thị trường hồi phục nhờ thông tin hỗ trợ về việc nới room có thể được công bố ngay trong tháng 9 tới.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng cần được chú ý bởi quý IV thường là quý mà các doanh nghiệp bất động sản có thể tạo đột biến ghi nhận về doanh thu và lợi nhuận.

Thị trường đang chịu tác động bởi 2 yếu tố ngoại biên là TTCK thế giới và mua bán của khối ngoại, những yếu tố này sẽ tác động như thế nào đến TTCK trong thời gian tới?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Đây sẽ là các yếu tố tác động mạnh đến TTCK. Đặc biệt động thái của 2 ngân hàng trung ương của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là FED (Mỹ) và PBoC (Trung Quốc). 

 Ông Phan Dũng Khánh
FED hiện nay gần như là ngân hàng trung ương duy nhất trên thế giới đang dần thắt chặt tiền tệ thay vì nới lỏng như các quốc gia khác. Nếu FED chính thức tăng lãi suất, tôi thấy trong ngắn hạn sẽ không tác động xấu đến TTCK Việt Nam, nhưng nếu về trung dài hạn thì sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại nhưng nếu Việt Nam có những chính sách kịp thời, kinh tế Việt Nam phát triển tốt thì tác động này sẽ ít hơn.

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc môi giới CTCK MBS

Tôi cho rằng, với yếu tố tỷ giá như hiện nay và diễn biến của thị trường tài chính thế giới trong thời gian vừa qua thì xu thế rút ròng của các quỹ ETF sẽ vẫn còn tiếp tục vì các quỹ này hoạt động theo phong cách đầu cơ. Tuy nhiên, chính những diễn biến của thế giới và trong nước trong thời gian vừa qua lại tạo ra 1 cơ hội lớn cho các quỹ "đầu tư thực sự" với ý định gắn bó lâu dài hơn tại Việt Nam. Tôi cũng cho rằng, chính những biến động của thị trường tài chính thế giới trong thời gian vừa qua lại là 1 cơ hội tốt để thanh lọc dòng tiền đầu tư vào Việt Nam, giúp cho thị trường phát triển bền vững hơn.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng nhóm phân tích thị trường, CTCK VCBS

Đây vẫn là những yếu tố đáng quan tâm của phần lớn nhà đầu tư do mức độ không thể kiểm soát được, không lường trước hay điều chỉnh được tác động của các diễn biến ngoại biên này tới thị trường chứng khoán trong nước. Trong đó, diễn biến của TTCK thế giới, cũng như hành động của các nhà  đầu tư nước ngoài ở thị trường Việt Nam dường như đang có mối liên hệ chặt chẽ với các chính sách của nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là các biện pháp nới lỏng, phá giá đồng Nhân dân tệ do mức độ giao thương sâu rộng giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. 

Do đó, tôi cho rằng, khi nền kinh tế Trung Quốc, một thị trường mới nổi điển hình, vẫn còn tiềm ẩn những rủi ro lớn về giảm tốc, bong bóng tài chính và thị trường chứng khoán bị bán tháo, thì TTCK Việt Nam nói riêng và TTCK thế giới nói chung vẫn sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực trong trung và dài hạn.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS

Đối với yếu tố ngoại biên là biến động của chứng khoán thế giới thì chỉ ảnh hưởng manh tính nhất thời và tâm lý là chính. Trong khi đó, hoạt động khối ngoại luôn gây tác động trực tiếp thông qua động thái giao dịch qua từng đợt mua vào hay bán ra. Như việc bán ròng khối lượng lớn nhóm dầu khí đợt vừa qua rõ ràng đã làm giá nhóm cổ phiếu này giảm sâu hơn và lan sang cả thị trường chung. 

Tuy nhiên, nhìn chung thì dòng vốn ngoại vẫn giao dịch ổn định tại Việt Nam và thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn khá hấp dẫn so với các thị trường sơ khai khác. Vì vậy tôi tin rằng, hoạt động giao dịch khối ngoại sẽ còn tiếp tục tăng trưởng khi một loạt chính sách cởi mở thị trường được áp dụng trong thời gian tới.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược đầu tư, CTCK MSI

TTCK vẫn còn nhiều bất ổn, cũng như việc thống kê cho thấy, khối ngoại đang có xu hướng bán ròng hơn là mua vào trong 1 tháng giao dịch vừa qua, chưa kể đến việc dòng tiền đang rút ra khỏi thị trường chứng khoán của một số nước mới nổi, điển hình như Trung Quốc. 

Việc phá giá đồng tiền, cũng như việc điều chỉnh các chính sách vĩ mô của các nước như Trung Quốc sẽ tác động đến dòng tiền tham gia vào TTCK, mặc dù cơ hội đầu tư đối với nhiều mã cổ phiếu trên TTCK vẫn luôn hiện hữu. 

Dù sao đi nữa thì, nếu TTCK thế giới biến động mạnh hay là khối ngoại tiến bán ra ròng, thì chắc chắn TTCK sẽ bị tác động mạnh. Đơn cử, chỉ mới các quỹ đầu tư theo chỉ số ETFs giảm tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ thôi cũng đã tác động không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư nói chung.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Khối phân tích, CTCK Bảo Việt (BVSC) 

Tôi cho rằng, 2 yếu tố ngoại biên này vẫn sẽ là những yếu tố có tác động mạnh đến xu hướng thị trường trong thời gian tới. Đối với TTCK Trung Quốc, tôi cho rằng, sẽ cần thêm nhiều thời gian để tâm lý nhà đầu tư nước này thật sự ổn định trở lại. 

Các giải pháp mà Chính phủ Trung Quốc thực hiện trong thời gian gần đây nhằm “giải cứu” TTCK như hạn chế các cổ đông lớn bán ra, tạm ngừng giao dịch hay giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, hạ lãi suất… đều mang tính “tình thế”. 

 Ông Nguyễn Xuân Bình

Nguy cơ hạ cánh cứng đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang được đánh giá ngày càng cao do các thử nghiệm về chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Trung Quốc (dựa nhiều từ đầu tư sang tiêu dùng trong nước) chưa thể phát huy ngay được hiệu quả trong ngắn hạn. Tuy vậy, tác động dây chuyền từ những phiên lao dốc của TTCK Trung Quốc đến thị trường tài chính toàn cầu sẽ ngày càng giảm bớt. Tôi tin rằng, những phiên sụt giảm 3-4% đồng loạt trên TTCK thế giới nhiều khả năng sẽ khó lặp lại trong một vài tuần tới.

Thời gian tới, TTCK sẽ theo xu hướng nào theo cảm quan của ông?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Điều này sẽ phụ thuộc khá lớn vào kháng cự 580-590 của thị trường có vượt qua được thì thị trường sẽ quay lại vùng đỉnh cũ 640 điểm mà 2 năm nay chưa vượt qua được, còn bằng ngược lại, có thể điều chỉnh về lại vùng 500 điểm, thậm chí thấp hơn đồng thời phải tích lũy một thời gian dài hơn để có thể quay lại đỉnh cũ.

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc môi giới CTCK MBS

Trong tháng 9, theo tôi, kịch bản vượt kháng cự 580-590 là 50/50 do nhiều yếu tố. Hai ngành dẫn dắt thị trường hiện nay là dầu khí và ngân hàng (cũng có nhiều mã cổ phiếu ảnh hưởng đến Index nhiều nhất). Yếu tố hỗ trợ là giá dầu trên đà phục hồi, kinh tế Mỹ đang vững vàng là đầu tàu kéo các nền kinh tế khác, cơ cấu ngân hàng tại Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ, kinh tế Việt Nam đang đà tăng trưởng, thời khắc TPP đang đến gần, khả năng PBoC không gây thêm cú sốc nào nữa khi họ cũng đã cam kết điều đó.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, khả năng Mỹ tăng lãi suất năm nay còn cao sẽ ảnh hưởng dòng tiền khối ngoại, giá dầu phục hồi chưa chắn bền vững nhưng nếu giá tăng quá cao thì lại là tin xấu, TTCK thế giới dù phục hồi nhưng tạm thời vẫn chưa thoát xu hướng điều chỉnh khi các mức hỗ trợ đã bị mất, TPP dù đang đến gần, nhưng nếu trục trặc thì có thể dời sang 2017 thì sẽ mất yếu tố hỗ trợ, các tin đồn vẫn luôn tồn tại thường trực trên thị trường, nhiều cổ phiếu bluechips như nhóm ngân hàng cũng đã mất hỗ trợ của mình, nên khả năng phục hồi trong ngắn hạn gặp nhiều khó khăn. 

Tôi cho rằng, ngưỡng 582 +/- 3 sẽ là 1 ngưỡng cản lớn cho thị trường trong tháng 9 và VN-Index sẽ sớm chạm ngưỡng này ngay trong tuần đầu tiên của tháng 9. Sau khi chạm ngưỡng này, thị trường sẽ có 1 nhịp điều chỉnh diễn ra khoảng 5 phiên. Sau nhịp điều chỉnh đó, thị trường cần xuất hiện 1 nhóm cổ phiếu đóng vai trò dẫn dắt thị trường tăng điểm cho 1 uptrend trung hạn. 

Nếu sau nhịp điều chỉnh này (dự kiến sau 15/9), mà nhóm cổ phiếu dẫn dắt xuất hiện, thì tôi cho rằng, VN-Index đã chính thức tạo đáy thành công tại 511 vào 25/8 và thị trường sẽ tăng mạnh trong cả tháng 9. Còn nếu không có 1 nhóm cổ phiếu nào đủ mạnh để dẫn dắt thị trường ngay từ 15/9, thì có lẽ chúng ta cần phải chờ thị trường điều chỉnh hoặc tích lũy thêm 1 thời gian nữa mới có đủ lực để đi lên vào cuối tháng 10.

Tại thời điểm này, tôi cho rằng, khả năng cao dòng cổ phiếu công ty chứng khoán và cổ phiếu bất động sản sẽ đủ khả năng dẫn dắt thị trường ngay sau 15/9. Đó chỉ là dự báo, còn vấn đề tốt nhất nên làm hiện nay là kiên nhẫn chờ đợi

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng nhóm phân tích thị trường, CTCK VCBS

Trong tháng 9, tôi cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn sẽ dao động khá mạnh với các nhịp tăng giảm luân phiên. Sự chưa ổn định của các nền kinh tế vĩ mô quốc tế, cũng như diễn biến bất thường của giá dầu thô thế giới tiếp tục là nguyên nhân dẫn đến sự dao động mạnh này. 

Theo tôi, kỳ vọng điểm số của thời điểm cuối kỳ có thể sẽ không có nhiều thay đổi so với thời điểm đầu kỳ khi các động lực tăng trưởng mới và đủ mạnh cho thị trường chưa xuất hiện trong khi nhiều yếu tố rủ ro, đặc biệt là từ phía thị trường thế giới vẫn hiện hữu.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SBS

Thị trường đang tiệm cận vào mốc 580 được cho là mốc trung bình trong cả xu hướng chung dài hạn. Sau một chu kỳ dài hạn tăng trưởng 3 năm, thì thị trường đang đi ngang trở lại và củng cố quanh một dải rộng từ 520 đến 640 kể từ đầu năm 2014. 

Với diễn biến hiện tại, thị trường sẽ tiếp tục chu kỳ tăng tiếp cận lại vùng 600 trong tháng 9 tới và dĩ nhiên đà tăng sẽ không tăng sốc như mấy ngày qua sau khi những cổ phiếu tăng nóng hạ nhiệt. 

Nhóm cổ phiếu kỳ vọng tăng trưởng ổn định và ít chịu ảnh hưởng nhất bởi biến động thị trường sẽ là nhóm chứng khoán và những cổ phiếu đầu ngành các lĩnh vực thực phẩm, tiêu dùng và công nghệ. 

Nhóm ngành ngân hàng có thể sẽ không thể tăng trưởng nhanh như thời gian vừa qua, nhưng vẫn sẽ tiếp tục giữ ổn định và vẫn là nhóm cổ phiếu ảnh hưởng mạnh đến chỉ số chung thị trường. 

Ngoài ra, vào quý III là giai đoạn tăng vốn của nhiều doanh nghiệp, vì vậy sẽ có những cơn sóng lớn liên quan đến những doanh nghiệp này.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược đầu tư, CTCK MSI

Cùng với thông tin nới room, cũng như niềm tin vào xu hướng Uptrend trung hạn của thị trường, chưa nói đến việc thị trường đã giảm sâu vừa qua và đang có sự phục hồi tốt mặc dù vĩ mô còn nhiều bất ổn, thì TTCK tháng 9 xu hướng tăng điểm là chủ đạo. 

Ông Lê Đức Khánh 

Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, VN-Index đang có vẻ đạt điểm cân bằng ở ngưỡng 575 - 585 điểm trước khi lên các mốc kháng cự cao hơn. Có lẽ câu chuyện mở cửa nền kinh tế, thu hút dòng vốn đầu tư ngoại cũng như tạo ra môi trường kinh doanh và  pháp lý hấp dẫn các quỹ đầu tư thế giới sẽ quan trọng hơn là những bất ổn vĩ mô tạm. Con sóng uptrend lớn mới chỉ là bắt đầu.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Khối phân tích, CTCK Bảo Việt (BVSC) 

Tôi cho rằng, VNINDEX sẽ tiếp tục duy trì đà tăng điểm và tiến đến vùng kháng cự mạnh 580-590 điểm trong tuần đầu tiên của tháng 9. Đây là vùng kháng cự mạnh và có mật độ khối lượng giao dịch tương đối dày đặc trong quá khứ, đồng thời nó cũng là mốc điểm có thể quyết định xu hướng của chỉ số trong trung hạn.

Do đó, nhiều khả năng hiện tượng chốt lời, rung lắc mạnh sẽ bắt đầu xuất hiện khi chỉ số tiếp cận vùng cản này, qua đó có thể đẩy chỉ số bước vào nhịp điều chỉnh lình xình trong những tuần còn lại của tháng 9.

Hải Vân