Skip to content Skip to navigation

     

    

Chức năng mới *

Tư vấn online TTCK phái sinh trading liên tục trong phiên.

Click để tham gia ngay

  

   

   

Hải Lý Chủ Nhật,  29/3/2015, 08:10 (GMT+7)Phóng to 
Bộ Tài chính cho biết ngay cả những doanh nghiệp đang đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia như Bia Sài Gòn (Sabeco)... Nhà nước cũng có thể thoái vốn 100% và nước ngoài có thể mua nếu họ đủ tiền, đủ năng lực điều hành và áp dụng công nghệ quản trị mới.

(TBKTSG) - “Sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề nới room (tỷ lệ sở hữu của nước ngoài trong một công ty niêm yết) trong một vài tháng tới” - đại diện Bộ Tài chính khẳng định trong cuộc trao đổi gần đây với TBKTSG. Và để minh chứng cho điều này, tuần qua một số hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012 hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán đã khởi động.

Room 100%?

Trước đây khi đưa ra các dự thảo thay thế cho Quyết định 55 về tỷ lệ sở hữu của nước ngoài trên thị trường chứng khoán, room luôn được đề xuất từ 49% lên 60%, trừ các lĩnh vực chuyên ngành như ngân hàng. Nay dự thảo mới quy định “nhà đầu tư có vốn nước ngoài phải tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài khi tham gia góp vốn, mua chứng khoán”.

Theo Quyết định 55 vẫn đang có hiệu lực, room các doanh nghiệp niêm yết cố định 49%, trong khi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014 quy định một công ty có vốn đầu tư nước ngoài khi sở hữu trên 51% vốn điều lệ của công ty đại chúng. Điều 1.2 của dự thảo mới cũng quy định công ty có vốn đầu tư nước ngoài khi các nhà đầu tư này nắm giữ 51% của công ty đại chúng. Từ những quy định trên, có thể hiểu nhà đầu tư nước ngoài được nắm giữ 51% cổ phần được phát hành bởi công ty đại chúng.

“Tỷ lệ tối đa của room không hạn chế ở mức 60% như đề xuất cũ, mà sẽ mở tới 100% trừ những ngành nghề có điều kiện như ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, dược phẩm, an ninh - quốc phòng...” - đại diện
Bộ Tài chính.

Chúng tôi đã đặt câu hỏi với đại diện Bộ Tài chính “vì sao dự thảo mới không quy định cụ thể tỷ lệ room bao nhiêu?”. Câu trả lời của bộ: “Tỷ lệ tối đa của room không hạn chế ở mức 60% như đề xuất cũ, mà sẽ mở tới 100% trừ những ngành nghề có điều kiện như ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, dược phẩm, an ninh - quốc phòng...”.

Đây là một bước tiến “nhảy vọt” trong tư duy nới room và nó chắc chắn là một tin tốt lành với chứng khoán. Đầu năm nay, Bộ Tài chính cho biết ngay cả với những doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng đang đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia như Vinamilk, Bia Sài Gòn (Sabeco)... Nhà nước cũng có thể thoái vốn 100% và nước ngoài có thể mua nếu họ đủ tiền, đủ năng lực điều hành và áp dụng công nghệ quản trị mới.

Gần đây nhất, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Sabeco đã đề đạt Bộ Công Thương để bộ trình với Chính phủ phương án giảm vốn nhà nước ở doanh nghiệp này xuống 36% thông qua đấu giá công khai với giá khởi điểm bằng giá phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) thành công bảy năm trước. Nếu đề nghị trên được chấp thuận, nhà đầu tư nước ngoài có khả năng nắm giữ trên 51% cổ phần Sabeco khi họ tham gia đấu giá và bỏ mức giá cạnh tranh.

Ba nhóm ngành

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), nới room sẽ tiến hành theo ba nhóm ngành: nhóm hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài thực hiện theo các quy định chuyên ngành (thí dụ ngân hàng); nhóm doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa thì thực hiện room theo phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (trường hợp Sabeco, MobiFone, Vietnam Airlines, Vinalines...); nhóm công ty đại chúng trong đó có các công ty niêm yết thực hiện theo quy định của Chính phủ (tức có thể mở tới 100%).

Riêng với công ty chứng khoán, dự thảo mới cho phép nước ngoài được mua cổ phần hoặc góp vốn không hạn chế vào công ty chứng khoán. Như vậy khi dự thảo được thông qua, room sẽ mở ngay cho các công ty chứng khoán.

Nới room giờ đây đã được đặt trong bối cảnh mới: chứng khoán phải trở thành nền tảng và tạo động lực cho tiến trình cải cách doanh nghiệp, nhất là các đợt IPO của các tập đoàn, tổng công ty. Chứng khoán cũng sẽ góp sức vào cải cách ngân hàng. Không ai có thể phủ định nếu VN-Index tăng trưởng, thị giá cổ phiếu ngân hàng đi lên, việc xử lý sở hữu chéo và nợ xấu sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Làm sao thu hút được nước ngoài tham gia các đợt IPO, trở thành cổ đông chiến lược các doanh nghiệp lớn, có mặt trong các thương vụ M&A nhằm tháo gỡ các nút thắt trì trệ? Phải linh hoạt, thông thoáng trong vấn đề room. Room càng có tiếng nói quyết định khi sự dịch chuyển của dòng vốn trên thị trường tài chính quốc tế đang hướng về các thị trường phát triển.

Các gói kích thích kinh tế ở châu Âu, Nhật Bản và sự mất giá của các đồng nội tệ ở các nước châu Á, Úc đang biến những lãnh thổ này thành vùng trũng hấp dẫn dòng vốn đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp nước ngoài. Thị trường chứng khoán châu Âu, Nhật, Mỹ hứng khởi chưa từng có và vươn tới những đỉnh cao mà lịch sử chưa hề biết đến.

Chỉ số Dow Jones của Hoa Kỳ đã vượt qua mốc 18.000 điểm, gần gấp ba lần mức đáy khủng hoảng đầu năm 2009. Tương tự chỉ số FTSE100 của Anh đã cán mốc 7.000 điểm, tăng 8,2% từ đầu năm đến nay; CAC40 của Pháp sắp tiệm cận 5.100 điểm, tăng 19,25% trong chưa đầy ba tháng; DAX của Đức chính thức vượt 12.000 điểm và tăng 22,78% kể từ đầu tháng 1-2015 đến nay. Cùng thời gian trên VN-Index tăng khiêm tốn 5,69% và so với cùng kỳ năm ngoái đang âm 0,51%.

Thống kê của một quỹ ngoại cho biết vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đổ vào hai sàn từ đầu năm đến nay giảm 50% và chưa bằng một nửa so với quí 1 năm ngoái.

Nới room tới 100% sẽ là nhân tố mang ý nghĩa sống còn trong sự phục hồi của thị trường khi tâm lý chứng khoán đã “gãy” bởi tác động của Thông tư 36 giới hạn tỷ lệ cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu tối đa bằng 5% vốn tự có ngân hàng. Thanh khoản thị trường đã sụt giảm 40% so với mức giao dịch bình quân 2.100 tỉ đồng/ngày trên Hose năm 2014. Tổng lượng tiền ký quỹ đang ở mức thấp nhất trong vòng sáu tháng qua và tiền thật ít nhiều bị rút khỏi thị trường. Sự cứng nhắc và chỉ chú ý đến lợi ích của các ngân hàng, mà quên đi mối quan hệ hữu cơ giữa ngân hàng - tài chính, cụ thể là chứng khoán, của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ đang gây không ít trở ngại cho sự phát triển của thị trường nói chung.