Skip to content Skip to navigation

     

    

Chức năng mới *

Tư vấn online TTCK phái sinh trading liên tục trong phiên.

Click để tham gia ngay

  

   

   

Kính mời quý độc giả DVCSpeculator tham khảo bài trả lời phỏng vấn báo ĐTCK ngày 28/6/2019
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán có diễn biến trồi sụt trong 6 tháng đầu năm, nhưng chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng 7%. Nhiều ý kiến dự báo, quý III/2019, thị trường tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoại biên, nhưng cơ hội sẽ rộng mở hơn.

Nhiều yếu tố tác động

Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, trước thời điểm các doanh nghiệp niêm yết chính thức công bố kết quả kinh doanh bán niên 2019 khoảng 2 tuần, thị trường sẽ có hiện tượng phân hóa, dòng tiền tập trung trung vào cổ phiếu của các công ty dự kiến có kết quả kinh doanh quý II/2019 khả quan.

Kết quả kinh doanh bán niên của các doanh nghiệp này sẽ củng cố sự tự tin của giới đầu tư, thu hút dòng tiền nhập cuộc và tham gia giao dịch tích cực hơn.

Quý I/2019, lợi nhuận khối doanh nghiệp niêm yết bình quân tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Công ty Chứng khoán Everest (EVS), lợi nhuận quý II của các doanh nghiệp dự báo đạt mức tăng 6%, nhờ đóng góp của nhóm Vingroup và nhóm ngành hàng tiêu dùng (F&B, bán lẻ, vận tải hành khách, dịch vụ logistics). Mức tăng trưởng lợi nhuận sẽ tăng dần trong các quý cuối năm và tính chung cả năm 2019 có thể ghi nhận tăng quanh mức 16% (mức tăng trưởng năm 2018 là 20%).

Ông Võ Văn Cường, Giám đốc Tư vấn đầu tư, EVS cho rằng, thị trường chứng khoán sẽ có diễn biến khả quan khi thanh khoản được cải thiện, các yếu tố ngoại biên tích cực hơn như Mỹ - Trung Quốc có thể đạt được thỏa thuận thương mại, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) theo đuổi chính sách lãi suất thận trọng. Những yếu tố tích cực trong và ngoài nước, trong đó sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế sẽ giúp thị trường chứng khoán có xu hướng tăng điểm nửa cuối năm 2019.

Theo ông Cường, dòng tiền nước ngoài tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam, sự “tươi mới” từ sản phẩm chứng quyền có bảo đảm sẽ tạo tâm lý tích cực chung cho thị trường, đặc biệt là các cổ phiếu lớn có tính dẵn dắt. Các rủi ro bên ngoài gần như đã ở mức đỉnh điểm và sẵn sàng chờ đợi những diễn biến tích cực hơn.

Tuy nhiên, thông tin về xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang là mối quan ngại đối công chúng đầu tư.

“Chúng tôi dự báo, xung đột thương mại Mỹ - Trung sẽ không dễ dàng kết thúc, bởi tham vọng của Tổng thống Donald Trump là khá lớn để đạt được 2 mục đích: hạn chế sự trỗi dậy của Trung Quốc và tạo sức ép cho Fed hạ lãi suất. Chừng nào Fed chưa hạ lãi suất thì lúc đó ông Trump sẽ còn tạo nhiều sức ép về phía Trung Quốc. Vì vậy, tôi không kỳ vọng vào kết quả cuộc họp giữa lãnh đạo hai nước này bên lề cuộc họp G20 sắp tới”, ông Dương Văn Chung, Giám đốc khu vực miền Bắc, MBS nói.

Ông Chung cho rằng, những thông tin về xung đột thương mại Mỹ - Trung đã quá quen với thị trường nên nếu thông tin trong thời gian tới không tốt đẹp thì thị trường chỉ bị ảnh hưởng 1 - 2 phiên, sau đó hồi phục trở lại. Thực tế, trong những lần có thông tin đàm phán Mỹ - Trung gần đây, thị trường thường có diễn biến như vậy, cho thấy thị trường đang “nhờn” với thông tin này.

Ðộng thái của Fed và một loạt ngân hàng trung ương các nước trên thế giới về việc hạ lãi suất mới là thông tin quan trọng đối với thị trường chứng khoán. Xu hướng lãi suất của Fed sẽ tỷ lệ nghịch với xu hướng biến động của thị trường, nghĩa là chừng nào Fed hạ lãi suất thì thị trường sẽ có xu hướng đi lên và ngược lại.

Quý III/2019, thị trường cũng sẽ có thêm mối quan tâm đối với sản phẩm mới là chứng quyền có bảo đảm (CW) khi việc phát hành chứng quyền cuối tháng 6 được kỳ vọng sẽ tạo động lực cần thiết giúp thu hút dòng tiền tham gia thị trường, gián tiếp cải thiện thanh khoản chung.

Sản phẩm này đang được kỳ vọng sẽ kích thích dòng tiền cả nội lẫn ngoại tham gia, ít nhất là trong khoảng thời gian đầu khi ra mắt. Những nhà đầu tư tham gia mua chứng quyền nhiều khả năng cũng sẽ cầm giữ cả cổ phiếu cơ sở được phát hành chứng quyền nên lực cầu mua vào tại những nhóm cổ phiếu này sẽ khá lớn, có thể tạo được một vài cú huých đáng kể làm động lực thúc đẩy chỉ số VN-Index.

Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ tạo hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam, qua đó gián tiếp tác động tích cực tới thị trường chứng khoán thông qua nhóm các cổ phiếu được hưởng lợi từ Hiệp định như dệt may, thủy sản, xuất khẩu gỗ, cảng biển… EVFTA cùng với Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng như xung đột thương mại Mỹ - Trung không dễ dàng đi đến hồi kết, hàng hóa của Việt Nam dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thêm các thị trường mới.

Triển vọng tích cực hơn

MBS giữ góc nhìn khá tích cực về thị trường chứng khoán trong dài hạn, ít nhất là từ nay đến năm 2020. Theo ông Dương Văn Chung, thị trường nhiều khả năng sẽ trải qua 2 giai đoạn.

Thứ nhất là giai đoạn tạo nền tích lũy để chuẩn bị bước vào xu hướng tăng mạnh. Giai đoạn này có thể kéo dài khoảng 2 - 3 tháng theo hướng tăng giảm đan xen không rõ nét, với thanh khoản thấp hoặc vừa phải. VN-Index dao động trong khoảng 938 - 1.000 điểm. Giai đoạn này tạo cảm giác rất khó chịu cho cả bên cầm hàng và bên cầm tiền, bởi thị trường không tăng mạnh mẽ mà cũng không giảm mạnh ngay, khiến cho nhà đầu tư rất khó ra quyết định.

Thứ hai là giai đoạn bứt tốc sau khi thị trường đã tạo nền vững chắc. Giai đoạn này dự kiến kéo dài từ giữa tháng 9 trở đi và sau khi VN-Index bứt phá thành công mốc 1.020 điểm. Khi vượt mốc này, thị trường sẽ hút được dòng tiền đầu cơ một cách mạnh mẽ và đây cũng là giai đoạn mà mọi thông tin về Fed cũng như chiến tranh thương mại có phần rõ ràng hơn.

“Khi những thông tin trên trở nên rõ nét hơn thì nhiều khả năng thị trường đã tăng được thêm khoảng 60 điểm và nhiều cổ phiếu cơ bản tốt đã tăng giá thêm khoảng 20% tính từ mức VN-Index 960 điểm”, ông Chung dự báo.

Trên thị trường, dòng tiền luôn có xu hướng tìm kiếm cơ hội đối với cổ phiếu có câu chuyện riêng nổi bật và có lẽ giai đoạn củng cố vùng đáy trung hạn sẽ tiếp diễn trong khi các cơ hội chọn lọc vẫn đang xuất hiện, đây là cơ hội để sàng lọc cổ phiếu.

EVS cho rằng, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, tiêu dùng thiết yếu sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền, trong khi nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhóm hưởng lợi từ chiến tranh thương mại dự báo sẽ tạo đột biến trong giai đoạn nửa cuối năm 2019.

Theo MBS, nhóm cổ phiếu dầu khí đã giảm giá trong một thời gian dài sau khi tạo đỉnh trước thị trường chung 4 năm. Hiện nay, nhóm cổ phiếu này đang hấp dẫn do giá đã giảm mạnh. Ðặc biệt, tại mức giá dầu hiện nay, các công ty dầu khí bắt đầu có lãi trở lại và dự kiến kết quả kinh doanh bắt đầu khởi sắc từ quý III trở đi. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu công nghệ, bán lẻ được dự báo có kết quả kinh doanh rất tốt trong quý II và sẽ tiếp tục tăng trưởng cao trong các quý tới, nên sẽ là nhóm cổ phiếu tăng dần đều, giữ nhịp tăng tốt cho thị trường.