Đón đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều doanh nghiệp dệt may có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn TP.HCM đã tăng vốn đầu tư để mở rộng sản xuất.
Ông Ma Jianrong, Tổng giám đốc Công ty TNHH Worldon Việt Nam (Hồng Kông) cho biết, Worldon Việt Nam vừa tăng vốn thêm 160 triệu USD để mở rộng sản xuất. Trước đó, đầu năm 2014, doanh nghiệp này đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án Trung tâm thiết kế thời trang và sản xuất các sản phẩm dệt kim cao cấp từ công đoạn sợi, dệt vải, in hoa… đến sản phẩm ở khâu cuối cùng, với tổng vốn đầu tư đăng ký 140 triệu USD, trên diện tích 45 ha tại Khu công nghiệp Đông Nam (TP.HCM).
Trước những dự báo lạc quan từ hiệu ứng TPP, dệt may đã trở thành lĩnh vực hút vốn đầu tư. Ảnh: Chí Cường
"Môi trường đầu tư thuận lợi và dự báo về tình hình sản xuất khả quan, nên Công ty quyết định tăng vốn đầu tư", ông Ma Jianrong nói về việc doanh nghiệp mở rộng sản xuất sau chưa đầy 1 năm được cấp phép đầu tư và cho biết, để chuẩn bị cho chiến lược phát triển dài hạn tại Việt Nam, Công ty đã quyết định tăng diện tích thêm 7 ha để xây dựng khu lưu trú cho công nhân. Dự kiến, khu lưu trú cho công nhân sẽ được xây cao tầng, với quy mô có thể ổn định chỗ ở cho 7.000 - 8.000 công nhân.
Cũng trong dịp này, Công ty TNHH Nobland Việt Nam (Hàn Quốc) đã tăng vốn thêm 18 triệu USD để đầu tư mở rộng sản xuất tại Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp, đưa tổng vốn đầu tư lên 61 triệu USD. Theo ông Kim Chung Kuk, Tổng giám đốc Nobland Việt Nam, cách đây 12 năm khi quyết định đầu tư, Công ty chỉ đưa ra con số khiêm tốn 3 triệu USD, với 15 chuyền may xuất khẩu. Sau nhiều lần tăng vốn, đến trước khi tăng vốn lần này, Công ty đã có 3 nhà máy, 120 chuyền may, năng lực sản xuất 74 triệu sản phẩm/năm, với 8.000 lao động, tổng vốn đầu tư đăng ký 43 triệu USD.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Việt Hà, Trưởng phòng Đầu tư (Ban quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất TP.HCM) cho biết, các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực dệt may đang có xu hướng nhanh chân mở rộng đầu tư để đón sóng TPP. "Đối với các dự án trong lĩnh vực dệt may, Thành phố chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, cam kết sử dụng công nghệ, máy móc hiện đại, có trung tâm thiết kế…", ông Hà nói và cho biết, ngoài 2 doanh nghiệp nói trên, Ban quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất TP.HCM đang xem xét việc cấp phép mở rộng đầu tư cho một số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trong lĩnh vực dệt may.
Thực tế, trong nội dung của Giấy chứng nhận đầu tư, Worldon Việt Nam đã cam kết xây dựng một trung tâm thiết kế thời trang và cùng với đó các sản phẩm làm ra sẽ cung cấp cho các thương hiệu nổi tiếng, như Uniqlo, Nike, Adias, Puma… Trong khi đó, Nobland Việt Nam cũng chuyên làm hàng may mặc xuất khẩu và cam kết sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại trong sản xuất.
Việc các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực dệt may tăng vốn, mở rộng đầu tư trong thời gian gần đây không phải là hiếm gặp. Theo tổng hợp của Ban quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất TP.HCM, thời gian gần đây, đã có hàng chục doanh nghiệp làm thủ tục xin đầu tư mở rộng, chủ yếu là các doanh nghiệp của Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan… Nhiều dự án sau khi tăng vốn đã có tổng mức đầu tư vài chục đến hàng trăm triệu USD.
Trong khi đó, các doanh nghiệp dệt may có vốn trong nước hầu như không có động thái nào trong việc đầu tư dự án mới hay mở rộng sản xuất. "Chỉ có một số doanh nghiệp dệt may lớn, có vốn nhà nước đến làm thủ tục xin cấp phép mới hay mở rộng đầu tư", ông Hà nói và cho rằng, một trong những rào cản khiến các doanh nghiệp dệt may có nguồn vốn trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chậm chân hơn các doanh nghiệp ngoại, thậm chí là chấp nhận "thua trên sân nhà", đó là do thiếu vốn đầu tư và chủ yếu là gia công những công đoạn đơn giản, sử dụng thiết bị, máy móc lạc hậu.
Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư, đã có những tín hiệu tích cực từ các dự án dệt may có nguồn vốn trong nước.
Cụ thể, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang hợp tác với Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn triển khai Dự án Cụm công nghiệp dệt may tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân. Dự án này có diện tích 90 ha, kêu gọi các dự án sản xuất sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại, các dự án công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực dệt may… Dự án này đang triển khai xây dựng hạ tầng để kêu gọi các nhà đầu tư.
Theo Hồng Sơn/Đầu Tư