Skip to content Skip to navigation

     

    

Chức năng mới *

Tư vấn online TTCK phái sinh trading liên tục trong phiên.

Click để tham gia ngay

  

   

   

14/03/2013 2:30:00 CH

 

Năm Quý Tỵ đang trải qua giai đoạn khởi đầu chậm chạp. Không khí ảm đạm đang bao trùm nền kinh tế, với cả tiêu thụ và sản xuất đều trầm lắng.

Tính toán từ các mô hình Leontief hệ số cập nhật từ bảng cân đối liên ngành 2007 và ARIMA tự hồi quy tích hợp trung bình trượt có điều chỉnh yếu tố mùa vụ, NDHMoney dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2013 có khả năng giảm nhẹ so với tháng trước.

Xét ở góc độ con số, diễn biến “lạ” tại tháng này là có thể lần đầu tiên hiện tượng CPI theo tháng giảm kể từ tháng 7/2012. Nhưng nếu tính theo chu kỳ năm, đây là lần đầu tiên kể từ 2009 có chuyện CPI tháng sau Tết Nguyên đán trước khả năng giảm so với tháng trước.

Với kịch bản này xảy ra, CPI tháng 3/2013 so với cuối năm ngoái còn tăng khoảng 2,5%, mức tương đối thấp so với nhiều năm trước; trong khi so với cùng kỳ năm trước tăng 6,8%.

Điểm đáng lưu ý của diễn biến CPI tháng này là chu kỳ Tết nằm gần như toàn bộ trong tháng trước nhưng chỉ thể hiện trên mức tăng CPI khá thấp của tháng 2/2013, với con số được công bố chính thức là 1,32%.

Như vậy, việc CPI tháng này giảm nhẹ so với tháng trước không phải quá đặc biệt, nếu xét thêm xu hướng lạm phát đang có biểu hiện hạ nhiệt trong khoảng nửa năm tính đến nay.

Nhìn lại cân đối tiền - hàng của nền kinh tế, biểu hiện đáng chú ý là cung tiền M2 vẫn duy trì ở mức tương đối cao, kết thúc năm 2012 tăng khoảng 22,4% so với cuối năm trước; còn tính đến cuối tháng 2/2013 thì tăng khoảng 3,31% so với cuối năm 2012.

Tuy nhiên, tín dụng tăng thấp trong cả năm ngoái, chuyển sang 2 tháng đầu năm nay lại sụt giảm so với cuối năm 2012, ở mức âm 0,16%. Trong nhiều tháng nay, tín dụng đều “hụt hơi” so với huy động vốn từ nền kinh tế, một biển hiện của sức mua bị kìm hãm.

Các phân tích của giới chuyên gia cho rằng, tương quan giữa mức tăng khác biệt của hai chỉ tiêu tiền tệ kể trên cho thấy tiền có khả năng thanh toán được kiểm soát tốt hơn, nhưng rủi ro kích lạm phát còn đó với con số M2 tăng khá.

Một lưu ý khác là vòng quay tiền tệ đang giảm khá, cũng là yếu tố hạn chế cầu tiêu thụ. Theo báo cáo mới công bố của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tốc độ lưu thông tiền tệ đã giảm từ 3,84 năm 2007 xuống 0,92 năm 2008 và tiếp tục giảm mạnh xuống mức 0,8 năm 2012.

Về phía cung, một điểm đáng nói khác là sản xuất không mấy ấn tượng trong quý 1/2013. Theo các phân tích, lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng không bằng cùng kỳ năm ngoái do chịu tác động mạnh từ sụt giảm tăng trưởng ngành chăn nuôi.

Trong khi đó, lĩnh vực dịch vụ cũng khó “cáng đáng” vai trò thúc đẩy tăng trưởng GDP khi tiêu dùng tăng ở mức thấp. Tốc độ tăng dịch vụ tài chính cũng hạn chế…

Riêng lĩnh vực công nghiệp và xây dựng do chịu ảnh hưởng mạnh từ tăng trưởng ngành khai khoáng, với giá trị gia tăng lớn đóng góp nhiều vào GDP, có khả năng cải thiện hơn cùng kỳ năm trước.

Như vậy về cơ bản, cung và cầu đều yếu là nguyên nhân lạm phát có xu hướng giảm nhiệt trong thời gian gần đây. Rào cản cho xu hướng này là chi phí đẩy còn “găng”. Xăng dầu không tăng nhưng giá phải trả là quỹ bình ổn đã được quyết cho chi rất lớn.

Trở lại với diễn biến của các nhân tố quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến CPI tháng này, NDHMoney chỉ lưu ý mức tăng khá có thể xảy ra ở nhóm ăn uống ngoài gia đình, nhưng CPI nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống sẽ giảm. Tương tự là giao thông và bưu chính viễn thông.

NDHMoney không loại trừ khả năng, CPI tháng này có thể nhích nhẹ qua mức dương, nhưng kịch bản này có rất ít cơ sở hiện thực

(Nguồn : nhdmoney.vn )