Skip to content Skip to navigation

     

    

Chức năng mới *

Tư vấn online TTCK phái sinh trading liên tục trong phiên.

Click để tham gia ngay

  

   

   

Điểm lại các lệnh trừng phạt

Các nước trên thế giới đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt đủ lĩnh vực với quy mô chưa từng có nhằm vào Nga sau khi nước này thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine. Các biện pháp trừng phạt Nga nhằm vào các lĩnh vực tài chính, năng lượng, quân sự, công nghiệp, cũng như các cá nhân và sự kiện thể thao.

Dưới đây là một số biện pháp mà Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh áp đặt. Ngoài ra, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Australia, New Zealand... cũng thực hiện các động thái tương tự. Thụy Sĩ, quốc gia giữ vị thế trung lập trong suốt hai cuộc chiến tranh thế giới tới nay, đã quyết định thông qua các lệnh trừng phạt Nga giống như EU.

  1. 1. Lĩnh vực tài chính kinh tế:

EU, Mỹ, Anh và Canada đã nhất trí ngăn chặn Ngân hàng Trung ương Nga triển khai dự trữ quốc tế trị giá 640 tỷ euro. EU đã cấm tất cả các giao dịch với Ngân hàng Trung ương Nga. Mỹ cũng đã thực hiện tương tự và bổ sung thêm Bộ tài chính Nga và quỹ tài sản quốc gia Nga vào danh sách trừng phạt.

Trên thực tế, Nga đã bị cấm tăng nợ chính phủ. Cổ phiếu của các thực thể thuộc sở hữu nhà nước Nga có thể không còn được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán EU. Một loạt ngân hàng của Nga cũng đang bị EU, Mỹ, Anh và Canada loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. EU cho rằng điều này sẽ ngăn chặn các ngân hàng Nga hoạt động trên toàn thế giới và ngăn chặn xuất khẩu và nhập khẩu của Nga một cách hiệu quả.

Mỹ đã áp đặt biện pháp trừng phạt với 10 tổ chức tài chính hàng đầu của Nga (chiếm khoảng 80% lĩnh vực ngân hàng Nga), trong đó có ngân hàng lớn nhất là Sberbank (chiếm khoảng 30% ngân hàng Nga) và các công ty con. Sberbank và công ty con bị cấm thực hiện các giao dịch thông qua hệ thống của Mỹ.

Tài sản của nhiều ngân hàng Nga khác như VTB (ngân hàng lớn thứ hai Nga), Bank Rossiya và Promsvyazbank cũng đã bị ảnh hưởng khi EU, Anh, Mỹ và các nước khác đóng băng tài sản nghiêm ngặt hoặc hạn chế các ngân hàng này thực hiện hoạt động kinh doanh mới.

  1. 2. Các cá nhân Nga:

Tài sản ở nước ngoài của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Ngoại trưởng Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã bị phong tỏa ở EU, Mỹ và Anh. Tài sản của Giám đốc FSB Alexander Bortnikov, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov và các thành viên của Hội đồng An ninh Điện Kremlin cũng bị phong tỏa.

EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với tất cả 351 thành viên của Quốc hội Nga (Duma). Mỹ và Anh đang trừng phạt một số thành viên, tương tự như động thái của Australia, Nhật Bản và New Zealand.

Ít nhất 10 tỷ phú tài phiệt có quan hệ với chính quyền Nga nằm trong danh sách đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh nhiều nước. Ví dụ như Andrey Patrushev (công ty dầu khí Rosneft), Petr  Fradkov (Promsvyazbank), Yury Slyusar (United Aircraft), Boris Rotenberg (công ty đường ống dẫn khí đốt SMP), Denis Bortnikov (ngân hàng VTB) và Kirill Shamalov, chồng cũ của Katarina (con gái Tổng thống Putin).

Mỹ cũng đang trừng phạt các giám đốc điều hành của ngân hàng VTB và Sberbank. Canada và Australia đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nhiều nhà tài phiệt Nga. Anh đã áp đặt giới hạn 50.000 bảng Anh đối với tài khoản ngân hàng của công dân Nga tại Anh, còn EU giới hạn ở mức 100.000 euro đối với các ngân hàng thuộc Liên minh châu Âu.

  1. 3. Ngành công nghiệp và vận tải

Các hãng hàng không và máy bay tư nhân của Nga đã dần dần bị cấm vào không phận của Anh, EU, còn Mỹ đang xem xét hành động tương tự nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Hãng hàng không Nga Aeroflot cho biết họ sẽ hủy tất cả các chuyến bay đến các điểm đến ở châu Âu. Nhiều hãng hàng không châu Âu cho biết họ đang tạm dừng các đường bay đến Nga.

Trên thực tế, Mỹ đã cấm công ty năng lượng Nga Gazprom, công ty đường ống dẫn dầu Transneft, công ty điện lực RusHydro, cũng như các công ty vận tải hàng hóa, đường sắt và viễn thông lớn nhất của Nga khỏi các thị trường tín dụng.

EU đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu máy bay và các bộ phận hàng không sang Nga, cấm xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao như chất bán dẫn, máy tính, viễn thông, thiết bị an ninh thông tin và cảm biến. Các công ty có trụ sở tại Anh và EU cũng bị cấm xuất khẩu cho một loạt các công ty quốc phòng, hải quân, vận tải và truyền thông của Nga, bao gồm cả Cơ quan Nghiên cứu Internet ở St Petersburg.

  1. 4. Thể thao và các lĩnh vực khác

Trận chung kết UEFA Champions League đã được dời từ St Petersburg của Nga đến Paris. FIFA và UEFA đã cấm các câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia của Nga khỏi tất cả các giải đấu. Giải vô địch Công thức 1 và tất cả các sự kiện trượt tuyết World Cup ở Nga đã bị hủy bỏ. Nga đã bị cấm tham gia cuộc thi bài hát châu Âu Eurovision.

Các biện pháp ứng phó

Theo hãng tin TASS (Nga), Điện Kremlin nhấn mạnh sắc lệnh trên không phải là biện pháp đáp trả duy nhất của Moscow. Ngoài việc tung thêm đòn trả đũa nhằm vào phương Tây, Nga được cho là có thể dựa vào dự trữ vàng, việc bán năng lượng và mối quan hệ với Trung Quốc để giảm tác động của sự trừng phạt.

Mỹ và Liên minh châu Âu cho đến giờ gần như vẫn để yên cho khí đốt Nga. Vì thế, ông John Smith, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, nhận định Moscow có thể đặt cược rằng nhu cầu đối với nguồn cung năng lượng nước này vẫn còn, nhất là trong mùa đông giá lạnh này.

Ngoài ra, theo AP, Nga có thể chuyển hướng sang Trung Quốc để mua những hàng hóa, dịch vụ mà trước đây họ nhập khẩu từ phương Tây. Đáng chú ý, Moscow và Bắc Kinh vào tháng rồi ký thỏa thuận khí đốt trị giá hơn 117 tỉ USD trong vòng 30 năm. Trung Quốc gần đây cũng thông báo dỡ bỏ lệnh cấm đối với lúa mì nhập khẩu từ Nga.

CNN nhận định đợt trừng phạt mới cũng là phép thử cho nền kinh tế "pháo đài" của Nga. Kể từ năm 2014, thời điểm Moscow bị trừng phạt sau khi sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin đã nỗ lực xây dựng một nền kinh tế có khả năng chịu đựng các hình phạt khắc nghiệt hơn thông qua các bước đi như: giảm sử dụng đồng USD, hạn chế chi tiêu chính phủ và tăng cường dự trữ ngoại tệ.

Một "vũ khí" đối phó khác là dự trữ vàng và ngoại tệ dồi dào của Nga (hiện ở mức 630 tỉ USD). Ông David Lubin, chuyên gia tại Ngân hàng Citi (Mỹ), cho rằng "nền kinh tế pháo đài" đòi hỏi việc tạo ra nguồn dự trữ ngoại tệ lớn có thể được chi tiêu nếu lệnh trừng phạt phát huy tác dụng. Một số khoản dự trữ này đã được triển khai tại Nga thời gian gần đây.

Chẳng hạn, Ngân hàng Trung ương Nga hôm 24-2 cho biết đang can thiệp vào thị trường tiền tệ để hỗ trợ đồng rúp. Một ngày sau đó, ngân hàng này thông báo tăng cường cung cấp tiền mặt để đáp ứng nhu cầu rút tiền từ ATM gia tăng của người dân.

Ông Iikka Korhonen, Viện trưởng Viện Các nền kinh tế mới nổi tại Ngân hàng Trung ương Phần Lan, nhận định nền kinh tế Nga đã được chuẩn bị cho tình hình hiện nay và việc giá dầu tăng lên 100 USD/thùng mang lại nguồn thu lớn cho nước này. Ông Korhonen cho rằng Moscow "có thể xoay xở trong một thời gian" nhưng cảnh báo tốc độ tăng trưởng của Nga sẽ chậm lại hơn nữa nếu các biện pháp trừng phạt kéo dài. 

Ảnh hưởng đến từ các lệnh trừng phạt

  1. 1. Thị trường chứng khoán của Nga:

Ngân hàng Trung ương Nga tiếp tục tạm ngừng giao dịch chứng khoán tại Sở giao dịch Moscow vào thứ Tư (02/03/2022), nhưng sẽ cho phép một số phạm vi hoạt động hạn chế trong tuần này. Các nhà chức trách đã đình chỉ giao dịch để giữ cho tài sản của Nga không bị sụt giảm nghiêm trọng trong bối cảnh một loạt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây áp đặt đối với Moscow do cuộc xâm lược Ukraine. Ngân hàng trung ương cũng nâng tỷ lệ chính sách quan trọng của mình lên 20% từ 9,5%, ra lệnh cho các doanh nghiệp dẫn đầu về xuất khẩu bán 80% ngoại tệ của họ và cấm người nước ngoài bán chứng khoán Nga trong tuần này trong một động thái khẩn cấp nhằm đối phó với nguy cơ tiếp tục mất giá đồng Rúp. Trong khi đó, chứng khoán Nga niêm yết ở nước ngoài đã bị lỗ nặng trong hai phiên vừa qua, với ETF niêm yết lớn nhất của Mỹ theo dõi chứng khoán Nga, VanEck Russia ETF, giảm gần 50% kể từ cuối ngày thứ Sáu tuần trước.

Chỉ số MOEX Russia dự kiến sẽ giao dịch ở mức 2263,70 điểm vào cuối quý này và sẽ giao dịch ở mức 1741,44 trong thời gian 12 tháng, theo dự báo của Trading Economics.

  1. 2.Giá trị đồng Rúp Nga (RUB)

Theo Bloomberg, do lo ngại đồng RUB mất giá sau hàng loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây, nhiều người dân Nga quyết định xếp hàng dài tại các điểm rút tiền để tích trữ ngoại tệ. Một số ngân hàng thậm chí chỉ chấp nhận đổi USD với tỉ giá cao hơn 1/3 so với mức đóng cửa hôm 25/2. Các chuyên gia kinh tế cho biết Ngân hàng Trung ương Nga sẽ sớm tiếp tục tăng lãi suất nếu đồng RUB trượt giá lên 100 RUB/USD.

Nhiều dấu hiệu cho thấy đồng RUB sẽ giảm mạnh. Tỉ giá hối đoái giữa các ngân hàng bắt đầu có sự chênh lệch từ hôm 27/2. Cụ thể, ngân hàng Alfa có tỷ giá 1 USD đổi 98,08 RUB; ngân hàng Sberbank đổi 1 USD lấy 99,49 RUB; ngân hàng VTB Group đổi 1 USD lấy 105 RUB; ngân hàng Otkritie đổi 1 USD lấy 115 RUB. Trong khi đó, giá đồng RUB giao ngay đóng cửa ở mức 83 RUB/USD trên sàn giao dịch Moscow hôm 25/2.

“Không có kịch bản tích cực nào với đồng RUB. Tôi không kỳ vọng sự can thiệp về mặt định giá sẽ hiệu quả, mọi thứ chỉ có thể thay đổi khi những vấn đề pháp lý hạ nhiệt”, Paul McNamara, nhà quản lý quỹ tại GAM Investments, cho biết.

Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nga thông báo tăng nguồn cung tiền mặt cho các máy ATM để đáp ứng nhu cầu cho người dân. Cơ quan này đồng thời bảo đảm nguồn cung đồng RUB “không bị gián đoạn” cho các ngân hàng khác. Song, thông báo không đề cập đến khả năng hỗ trợ ngoại tệ và vấn đề trừng phạt.

Lần cuối cùng Nga đối mặt với tình trạng cạn tiền mặt là vào năm 2014, thời điểm giá dầu lao dốc do các lệnh trừng phạt từ phương Tây tác động đến tỉ giá hối đoái. Sberbank, ngân hàng lớn nhất tại Nga, nhanh chóng cạn kiệt 1.300 tỷ RUB (16 tỷ USD) trong vòng một tuần.

  1. 3. Giá dầu thế giới

Giá dầu Brent tiếp tục xu hướng tăng phi mã mặc dù các quốc gia phương Tây vẫn chưa chính thức áp dụng các biện pháp trừng phạt và cấm vận lĩnh vực dầu khí của Nga. Giá dầu Brent ngày 7/3 chạm ngưỡng cao nhất kể từ 2013, lên mức hơn 128 USD/thùng. Giá dầu tăng cao trước những đồn đoán rằng thị trường dầu vẫn sẽ thiếu nguồn cung trong vài tháng tới sau các lệnh trừng phạt đối với Nga và việc nhiều công ty lớn rút khỏi lĩnh vực dầu của nước này. Bên cạnh đó, mặc dù chưa chịu lệnh trừng phạt xong nhiều công ty nhập khẩu dầu đang rất ngại nhập khẩu dầu từ Nga do lo sợ rủi ro các biện pháp trừng phạt bất ngờ hoặc sự lên án của dư luận thế giới. Việc Shell mua vào 100,000 thùng dầu Nga ( một con số không lớn) và phải chịu nhiều rắc rối mặc dù Shell vẫn chưa vi phạm luật cho thấy điều này. Hiện tại, Nga đang chào giá chiết khấu 20-30% so với mức giá thị trường nhưng vẫn khó bán hàng.

Dù các lệnh trừng phạt hiện tại chưa nhắm trực tiếp đến lĩnh vực năng lượng, nhưng chúng đã hạn chế khả năng xuất khẩu từ Nga, trong khi lượng dầu xuất khẩu của nước này chiếm khoảng 8% nguồn cung toàn cầu, tức 4-6 triệu thùng/ngày, nhiều hơn bất kỳ nước nào trừ Saudi Arabia.

Có thể thấy sự gián đoạn nguồn cung dầu khí đã thực sự xảy ra và yếu tố này đang phản ánh vào giá dầu trong thời gian hiện tại. Về dài hạn, Nga sẽ chuyển hướng xuất khẩu dầu sang hai quốc gia tiêu thụ lớn là Trung Quốc và Ấn Độ với mức giá chiết khấu cao đủ hấp dẫn. Châu Âu sẽ phải tìm nguồn cung cấp bổ sung từ OPEC. Vì Trung Quốc và Ấn Độ tăng sử dụng dầu mỏ của Nga nên sẽ giảm nhu cầu đối với dầu mỏ của các quốc gia khác điều này sẽ khiến giá dầu hạ nhiệt trở lại. Trong ngăn hạn, giá dầu Brent có thể tăng sốc lên 140 USD/thùng nhưng chỉ trong ngắn hạn về dài hạn sẽ có xu hướng hạ nhiệt trở lại nhưng vẫn sẽ neo ở mức cao trên 100 USD/thùng do các biện pháp trừng phạt và việc thay đổi cơ cấu thị trường sẽ làm gia tăng chi phí trong chuỗi cung ứng.

  1. 4. Tác động tới Việt Nam

 

Giá dầu thế giới tăng 60% kể từ đầu năm trở lại đây sẽ kéo giá xăng trong nước gia tăng theo. Hiện tại, giá xăng dầu Việt Nam điều chỉnh định kỳ để tránh các biến động nhiễu ngắn hạn tuy nhiên xu hướng vẫn phải tuân theo xu hướng chung của thế giới. Hiện tại nhiều doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu và phân phối lại đang lỗ do đó việc giá xăng tăng tiếp là tất yếu. Với mức giá dầu quanh 120 USD/thùng và với giá bán hiện tại, doanh nghiệp trong nước có thể lỗ gần 2.500 đồng/lít xăng và 3.000 đồng với dầu.

 

Như vậy, nếu giả định giá dầu sẽ đạt đỉnh 140 USD/thùng ( khi có các cú sốc thông tin) sau đó giảm về duy trì quanh mức 120 USD/thùng vào các tháng tới, trước khi hạ nhiệt vào cuối năm do sự thích ứng của thị trường và gia tăng nguồn cung của các bên, thì giá xăng dầu trong nước vẫn phải tăng tiếp lên mức 30,000 VNĐ/lít xăng ( đảm bảo có lãi cho các nhà phân phối).

 

Trường hợp xấu hơn giá dầu neo ở ngưởng 130 USD/thùng thì giá xăng dầu trong nước phải lên mức 33,000 VNĐ/lít. Trong trường hợp này Chính phủ có thể giảm thuế xong mức giảm không nhiều chỉ khoảng 1000 VNĐ/lít.  Do ngân sách hiện cũng khó khan.

 

Mặc dù, giá xăng dầu chỉ chiếm trên 3,3% rổ CPI và ngành giao thông vận tải chỉ chiếm trên 9,7% rổ CPI tuy nhiên lại là đầu vào của gần như tất cả các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa và cung ứng dịch vụ, chi phí đi lại của người lao động. Do đó sự gia tăng của giá xăng dầu sẽ tao vòng quay tăng CPI từ 2 đến 3 vòng.

 

Tính từ đầu năm 2022, giá xăng dầu được điều chỉnh 4 đợt, làm cho giá xăng A95 tăng 2.992 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 2.982 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 3.230 đồng/lít, và tăng khoảng 17% so với đầu năm, tác động làm CPI chung tăng 1,63 điểm phần trăm.

Sự tăng của giá xăng hiện tại chưa gây ra áp lực quá lớn lên CPI hai tháng đầu năm một phần do nền kinh tế Việt Nam chưa mở cửa hoàn toàn trở lại khiến sức cầu trong lĩnh vực vận tải, du lịch, hàng không và các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí chưa cao. Khi nền kinh tế phục hồi trở lại và sức cầu quay lại sẽ tạo đủ điều kiện để các doanh nghiệp trong các lĩnh vực trên tăng giá để bù đắp chi phí và sự ảnh hưởng của giá xăng dầu lên CPI mới rõ nét.

 

Kịch bản 1: Giá xăng tăng lên 30,000 VNĐ/lít, tức tăng 30% so với đầu năm sẽ khiến CPI tăng thêm 0,9% ( tính tác động 3 vòng lên chi phí vận tải, chi phí kinh doanh và chi phí đi lại của người lao động). CPI dự kiến cả năm thay vì mức 3,5% như đánh giá của các tổ chức tài chính hồi đầu năm sẽ tăng lên mức 4,4%.

 

Kịch bản 2: Giá xăng tăng lên 33,000 VNĐ/lít, tức tăng 43% so với đầu năm sẽ khiến CPI tăng thêm 1,43% trong năm nay. CPI dự kiến cả năm thay vì mức 3,5% như đánh giá của các tổ chức tài chính hồi đầu năm sẽ tăng lên mức 5%.

 

Trong cả hai kịch bản, kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ không bất ổn tuy nhiên khả năng nới lỏng chính sách của Việt Nam hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sẽ co hẹp. Áp lực tăng lãi suất huy động của các NHTM sẽ gia tăng. NHNN sẽ thận trọng và hạn chế tăng trưởng tín dụng nhanh. Chính phủ cũng sẽ thận trọng trong việc giải ngân gói kích thích tăng trưởng kinh tế. 

Nguồn MBS