Skip to content Skip to navigation

     

    

Chức năng mới *

Tư vấn online TTCK phái sinh trading liên tục trong phiên.

Click để tham gia ngay

  

   

   

 Năm 1972 bằng Việt Nam hiện tại, 10 năm sau gấp 2, 20 năm nhân gấp 5, chúng ta làm gì để bắt kịp tốc độ chuyển đổi này?

Để bắt kịp tốc độ chuyển đổi của Hàn Quốc vào thập niên 1980, Việt Nam cần nhanh chóng hướng tới tăng trưởng dựa vào năng suất – World Bank cho biết.

Báo cáo mới nhất của World Bank đã dẫn ra kinh nghiệm của Hàn Quốc, là quốc gia điển hình trong việc tránh bẫy thu nhập trung bình thành công.

Cụ thể, sau khi đạt được mức thu nhập bình quân đầu người như ở Việt Nam hiện nay vào năm 1972, Hàn Quốc đã có thể tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người chỉ sau 10 năm và nhân lên gấp 5 lần sau 20 năm.

Theo World Bank, đây là kết quả của sự kết hợp việc tăng đầu tư vào nguồn lực vật chất và nhân lực, và trên hết là nâng cao hiệu quả hoạt động. Điều này có thể được minh họa bằng mức đóng góp ngày càng lớn của năng suất vào tăng trưởng sản lượng trên đầu người tăng từ 16% trong thập niên 1970 lên 43% trong thập niên 1980 và 56% trong thập niên 2000.

Vì vậy, có thể lập luận rằng Hàn Quốc đã thành công trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế có thu nhập trung bình sang thu nhập cao nhờ quản lý hiệu quả hơn các nguồn lực hiện có thay vì chỉ tích lũy thêm tài nguyên.

Khác với Hàn Quốc, World Bank cho rằng Việt Nam vẫn chưa chuyển sang mô hình tăng trưởng mà đầu tư vào vốn nhân lực và vật chất đang mang lại tỷ lệ sinh lời tăng dần, chứ chưa nói đến mô hình tăng trưởng dựa vào năng suất.

Phân rã tăng trưởng cho thấy đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng sản lượng bình quân đầu người chỉ đạt 20% trong giai đoạn 2012-2017, cao hơn so với gia đoạn 2000-2011, nhưng thấp hơn đáng kể so với những năm 1990 khi cuộc cách mạng "xanh" giúp năng suất nông nghiệp tăng mạnh.

Do đó, tăng trưởng kinh tế trong thời gian gần đây chủ yếu nhờ tích lũy các nguồn lực. Tuy nhiên, ngay cả như vậy tốc độ tăng đầu tư đã chậm lại rõ rệt, một phần là do giảm nguồn vốn đầu tư công.

Mức đóng góp của lao động Việt Nam, bằng cả gia tăng lực lượng lao động và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, cũng đã giảm theo thời gian, theo World Bank.

"Để bắt kịp tốc độ chuyển đổi của Hàn Quốc vào thập niên 1980, Việt Nam cần nhanh chóng hướng tới tăng trưởng dựa vào năng suất", báo cáo của tổ chức này cho biết.

Cụ thể, chỉ khi định hướng như vậy Việt Nam mới bắt kịp mức thu nhập bình quân trên mỗi lao động ở Hàn Quốc mà đã tăng 16 lần vào năm 2017. Sử dụng phương pháp do Jones (2016) đề xuất, có thể chỉ ra rằng chênh lệch trên mỗi lao động sẽ giảm 90% nếu Việt Nam có mức năng suất lao động tương đương với Hàn Quốc.

Để minh họa thêm về tầm quan trọng của năng suất, chênh lệch về thu nhập trên mỗi lao động hiện nay giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ giảm từ 16% xuống 14,3% nếu Việt Nam có tỷ lệ vốn vật chất so với GDP như Hàn Quốc hiện nay.

Sự đóng góp của nguồn nhân lực sẽ lớn hơn, nhưng vẫn còn khiêm tốn, vì chênh lệch thu nhập trên mỗi lao động sẽ giảm xuống 12,7% (từ mức 16%) nếu hai quốc gia này có cùng số năm đi học trung bình.

World Bank cho rằng sắp tới Việt Nam sẽ cần đạt được mức tăng năng suất chưa từng có trong quá trình phát triển của đất nước trong hai thập kỷ qua.

Kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy có thể tăng năng suất nếu quản lý tốt quá trình đô thị hóa thông qua tối ưu hóa các hiệu ứng tập trung. Quá trình này phải được hỗ trợ bởi sự chuyển dịch dần người lao động sang các ngành dịch vụ, sau cú hích ban đầu đưa họ từ việc làm trong nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp.

Sự thay đổi cơ cấu như vậy dường như có ý nghĩa quan trọng đối với cả Hàn Quốc và Malaysia, là những nước đã từng có cơ cấu việc làm vào đầu những năm 1980 giống như Việt Nam ngày nay, hướng tới mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao khi có 2/3 lực lượng lao động làm việc trong ngành dịch vụ vào 20 năm sau.

Khi Việt Nam khao khát tiến lên trên chuỗi giá trị, nhu cầu đối với lao động có kỹ năng và các công nghệ phức tạp hơn có thể sẽ cao hơn. Chênh lệch tiền công đã đạt mức cao với những người có trình độ giáo dục cao, và số lượng người lao động có trình độ đại học đã tăng mạnh nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu.

Nhưng không phải cứ lao động có trình độ đại học cũng sẵn sàng để tìm được việc làm, thể hiện qua tỷ lệ thất nghiệp gia tăng của những người này. Điều này cho thấy sự lệch pha về kỹ năng giữa yêu cầu của thị trường và khả năng cung cấp của hệ thống giáo dục. Việc xây dựng các chiến lược phát triển kỹ năng, công nghệ và đổi mới, sáng tạo có hiệu quả sẽ trở nên quan trọng hơn đối với Việt Nam so với giai đoạn phát triển trước.

Mặc dù định hướng chuyển sang tăng trưởng dựa vào năng suất có ý nghĩa to lớn trong thập kỷ tới, Việt Nam vẫn sẽ phải tiếp tục dựa vào tích lũy cả vốn nhân lực và vốn vật chất.

Việt Nam hiện có lượng vốn vật chất và vốn nhân lực thấp hơn so với các nền kinh tế phát triển hơn ở Đông Á. Năm 2017, tỷ lệ vốn vật chất (so với GDP) mà Việt Nam tích lũy được xấp xỉ bằng tỷ lệ của Hàn Quốc và Malaysia vào giữa những năm 1980, trong khi phát triển vốn nhân lực tương ứng với mức mà Hàn Quốc đạt được vào đầu những năm 1980 và Malaysia vào cuối những năm 1990.

Thập kỷ tiếp theo mang đến cho Việt Nam một cơ hội quan trọng để tăng sản lượng, đồng thời đảm bảo sự bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Vì Việt Nam vẫn là một nền kinh tế tương đối khan hiếm vốn, tích lũy vốn tư nhân và nhà nước dự kiến sẽ vẫn là động lực tăng trưởng chính, nhưng cần tăng năng suất nhanh hơn để đảm bảo sử dụng tối ưu các nguồn lực hiện có.

World Bank cho rằng kết hợp giữa tích lũy các yếu tố sản xuất và sử dụng vốn hiệu quả phải là trung tâm của chính sách phát triển của Việt Nam trong những năm tới. Tăng trưởng cũng sẽ phải tiếp tục mang tính bao trùm, để mọi người dân được đóng góp và hưởng lợ từ sự thịnh vượng ngày càng tăng của Việt Nam. Và cuối cùng, tăng trưởng không nên trả giá bằng sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam, đồng thời phải thích ứng với các tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu.

Hà Thu

Theo Nhịp sống kinh tế