Skip to content Skip to navigation

     

    

Chức năng mới *

Tư vấn online TTCK phái sinh trading liên tục trong phiên.

Click để tham gia ngay

  

   

   

14/03/2013 1:02:00 CH

 

Nhưng không ai ngờ, Trung đoàn Thủ Đô đã làm được hơn cả như vậy. Chúng tôi đã kiên cường bám trụ thủ đô, kìm chân giặc tới 2 tháng trời" - đại tá - GS Ngô Thế Nùng - nguyên Phó Trưởng ban Tham mưu Trung đoàn Thủ Đô - nhớ lại.

Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh

Được thành lập đúng vào ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (6.1.1947), Trung đoàn Thủ Đô là một trong những đơn vị chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đại tá, GS Ngô Thế Nùng - nguyên Phó ban Tham mưu Trung đoàn Thủ Đô, nguyên Phó Chủ nhiệm khoa Phòng không - Không quân Học viện Quốc phòng - kể: Ngày 17.12.1946, thực dân Pháp gây hấn ở Hà Nội.

Chúng tấn công vào trụ sở tự vệ của ta ở Hàng Bún, Lò Đúc, gây ra vụ thảm sát dã man nhân dân ở phố Hàng Bún. Ngày 18.12.1946, quân Pháp lại uy hiếp nhân dân ở phố Hàng Khoai, chợ Đồng Xuân, trắng trợn chiếm Nha Tài chính, trụ sở Bộ Giao thông - Công chính và đòi ta phải bỏ các lực lượng tự vệ. Trong tình thế này, ta biết chắc Pháp sẽ tấn công vào ngày 20.12, nên 20 giờ ngày 19.12, ta chủ động tắt hết đèn điện toàn TP, pháo binh tại các pháo đài Yên Lãng, Xuân Tảo, Xuân Canh, Đào Xuyên nã đạn vào các vị trí của địch trong nội thành.

Cuộc kháng chiến bùng nổ. Lúc này, ta xác định lấy Liên khu I làm trung tâm cuộc kháng chiến của quân dân thủ đô. Lực lượng tại Liên khu I của ta có Đội Thanh niên Hoàng Diệu, Tự vệ Thủ đô, Vệ quốc quân và 5 tiểu đoàn 101, 77, 212, 145, 523 với trang bị vũ khí thô sơ. Trong khi đó, Pháp có 6.500 quân chính quy trang bị hiện đại với xe tăng, pháo binh, pháo thuyền, quyết tâm “giải quyết tình hình chỉ trong 24 giờ bằng chiến lược tốc chiến, tốc thắng”.

“Lúc này, ta huy động sức người làm hầm hào, đào cắt ngang trên đường, chặt cây cối, dựng đồ vật trong phố để ngăn chặn bước tiến của địch. Mỗi nhà thành một pháo đài, mỗi phố là một chiến tuyến. Ta chủ trương đục thông các ngôi nhà trong phố cổ, tạo thành một đường hầm xuyên suốt chạy dọc các phố để đánh địch. Đây thực sự là một chiến thuật sáng suốt, thông minh vì điều này đã khiến quân Pháp dù được trang bị vũ khí mạnh hơn, nhưng bị động trong khi ta nắm thế chủ động hoàn toàn” - GS Nùng phân tích.

Trung đoàn anh hùng và cuộc rút lui thần kỳ

Sau một thời gian chiến đấu, các tiểu đoàn lần lượt rút ra khỏi HN để từ ngoài đánh ép vào. Trong nội thành chỉ còn lại Tiểu đoàn 101. Liên khu I khi đó gồm 7 khu hành chính là: Trúc Bạch, Đồng Xuân, Long Biên, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Thành, Hoàn Kiếm, Hồng Hà với hơn 1 vạn dân. Dần dà, địch chiếm và đốt cháy khu Long Biên, kiểm soát dọc sông Hồng, cô lập Liên khu I.

Lúc đó, lực lượng của ta chỉ còn khoảng hơn 300 người, hoàn cảnh hết sức khó khăn. Trong tình hình đó, cả ngàn thanh niên thủ đô tình nguyện tham gia chiến đấu. Đặc biệt, cả người già, phụ nữ, thiếu niên cũng xin tham gia vào lực lượng vũ trang làm lực lượng của ta lên tới hơn 2.000 người. Trên cơ sở đó, ta thành lập 3 tiểu đoàn 101, 102, 103 với quyết tâm chiến đấu giam chân địch càng lâu càng tốt, giúp cho hậu phương chuẩn bị kháng chiến trường kỳ.

Suốt từ ngày 20.11 đến cuối tháng 12.1946, cán bộ, chiến sĩ Liên khu I đã chặn đứng các cuộc tấn công của địch. Nhiều trận đánh ác liệt nổ ra ở khu vực Nha Giao thông - Công chính, Nhà máy đèn Bờ Hồ, Sở Thuỷ lâm... Đã xuất hiện nhiều gương anh hùng như Đại đội trưởng Lê Gia Định chiến đấu với quân Pháp để giữ Bắc Bộ Phủ tới hơi thở cuối cùng, chiến sĩ Bạch Ngọc Liễn dùng súng trường bắn rơi 1 chiếc máy bay khu trục của địch...

Ngày 6.1.1942, Trung đoàn Liên khu I (sau này Uỷ ban Kháng chiến TP.Hà Nội tặng danh hiệu Trung đoàn Thủ Đô) chính thức được thành lập, gồm Tiểu đoàn 101, tự vệ chiến đấu, công an xung phong..., tất cả khoảng 2.000 người, Trung đoàn trưởng là ông Hoàng Siêu Hải. Trong 60 ngày đêm chiến đấu, “một ấn tượng đậm nét trong tôi là trận đánh cuối cùng của ta với địch tại chợ Đồng Xuân ngày 14.2.1947” - đại tá Nùng bồi hồi. Đó là trận đánh lớn nhất, ác liệt nhất trong cả chiến dịch. Trận đánh diễn ra trong từng góc chợ, trên từng sạp hàng, phản thịt. Các chiến sĩ cảm tử của ta khi hết đạn đã dùng dao và cả tay không đánh địch. Hơn 200 quân địch đã bị giết và bị thương trong trận đánh này, trong khi ta cũng tổn thất khá nặng.

Quân và dân thủ đô trong cuộc rút lui thần kỳ đêm 17.2.1947. Ảnh tư liệu 
trong cuốn “Quyết tử để tổ quốc quyết sinh” - NXB Quân đội Nhân dân.

Ngày 17.2, nhằm bảo toàn lực lượng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị cho trung đoàn rút lui với phương châm bí mật, bất ngờ, chủ động, táo bạo. Khoảng 3.000 người gồm toàn trung đoàn và nhân dân thủ đô ngay trong đêm bí mật rút khỏi Liên khu I qua bãi sông Hồng dưới gầm cầu Long Biên lên Nghi Tàm, vượt qua sông Hồng và sông Đuống sang Phúc Yên.

Người dân xã Tứ Tổng (nay là Tứ Liên) huy động 20 chiếc thuyền nan chở suốt đêm. Đến 4 giờ sáng 18.2, khi cả trung đoàn rời thủ đô thì địch phát hiện. Chúng đuổi theo tới làng Cơ Xá thì bị bộ phận chặn hậu của trung đoàn và Đội du kích Hồng Hà do Tiểu đội trưởng Nguyễn Ngọc Nại chặn đánh, diệt 17 tên. Đội du kích Hồng Hà đã anh dũng vừa đánh, vừa nghi binh, kéo giặc về phía mình để toàn trung đoàn rút lui an toàn và sau đó, gần như cả đội đều hy sinh.

“Với tôi, đây là cuộc rút lui thần kỳ và hào hùng trong lịch sử quân sự VN hiện đại, khép lại bởi sự hy sinh quả cảm và anh dũng của Đội du kích Hồng Hà” - đại tá Nùng xúc động, khép lại câu chuyện về 60 ngày đêm chiến đấu anh dũng của Trung đoàn Thủ Đô.

Hải Phong