BĐS Khu công nghiệp: Tiềm năng tăng trưởng vẫn còn song thách thức bắt đầu xuất hiện.
▪Động lực cho mảng BĐS KCN vẫn đến từ tăng trưởng FDI giải ngân và đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông;
▪ Tuy nhiên chúng tôi nhận thấy thách thức mới từ Thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu và cạnh tranh thu hút đầu tư vào lĩnh vực mới;
▪ Chúng tôi lựa chọn KBC, NTC và SIP do tiềm năng tăng trưởng dài hạn nhờ quỹ đất sạch lớn, tài chính lành mạnh.
Động lực phát triển BĐS KCN
Vốn FDI giải ngân trong 6 tháng đầu năm đạt 13.4 tỷ USD giảm 4.3% svck. Chúng tôi kỳ vọng dòng vốn FDI sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong nửa cuối năm 2023 nhờ các tập đoàn lớn như Foxconn, P&G, Intel hay nhiều công ty từ Hàn Quốc, Đài Loan đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Chúng tôi cho rằng Nghị định 35/2022 được ban hành cũng sẽ góp phần đơn giản hoá các thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nhiều dự án giao thông trọng điểm như Vành đai 4 – giai đoạn 1, Vành đai 3 – TPHCM được đầu tư giúp kết nối các vùng lân cận với khu vực trung tâm, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông tới các KCN.
Thách thức mới trong thu hút FDI vào Việt Nam
Mức thuế suất tối thiểu toàn cầu 15% áp dụng từ ngày 01/01/2024 làm chính sách ưu đãi thuế tại Việt Nam mất đi tác dụng. Một số quốc gia khác đã đưa ra biện pháp ứng phó như chính sách thuế bổ sung tối thiểu nội địa, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, hoãn thời điểm thực thi. Quốc gia khác trong khu vực ASEAN thu hút FDI mạnh mẽ vào các lĩnh vực mới như chuỗi sản xuất xe điện (EV), chip, chất bán dẫn, linh kiện điện tử. Trong khi Việt Nam đang ở giai đoạn đầu triển khai, chưa có nhiều chính sách hỗ trợ.
Chúng tôi ưa thích mã KBC, NTC và SIP:
Chúng tôi cho rằng đây là những doanh nghiệp có quỹ đất sạch, sẵn sàng cho thuê, cũng như vị trí giao thông thuận lợi; đảm bảo cho sự phát triển của doanh nghiệp trong dài hạn. Bên cạnh đó, trong bối cảnh lãi suất vẫn còn duy trì ở mức cao, chúng tôi cũng ưu tiên lựa chọn những doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, vay nợ thấp.
Nguồn MBS