14/03/2013 1:32:00 CH
Tháng 2-1947, khi những chiến sĩ cảm tử cuối cùng của Trung đoàn Thủ đô rút quân qua sông Hồng, nhìn về Hà Nội, lửa cháy rực trời, tiếng pháo nổ ầm ầm, khói đạn bay mù mịt, tất cả đều rưng rưng nước mắt. Trong trái tim rỉ máu, họ thầm hứa một ngày quay trở về. 63 mùa đông sau - những ngày đầu tháng 1-2010, những chàng trai "mang 36 phố phường đi kháng chiến" lại gặp nhau giữa phố phường Hà Nội…
Sáng sớm 18-2-1947, những chiến sĩ cuối cùng của Trung đoàn Thủ đô
đã vượt sông Hồng an toàn để 9 năm sau lại trở về trong chiến thắng
Hà Nội những ngày cuối đông 2010, cái se sắt lạnh của đợt gió mùa đông bắc không làm không khí buổi gặp mặt của những người lính "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" nhân dịp kỷ niệm 63 năm Ngày thành lập Trung đoàn Liên khu I (Trung đoàn Thủ đô) kém phần nồng ấm. Cuộc gặp càng có ý nghĩa hơn bởi có sự tham gia của ba đoàn đại biểu: Biệt động Sài Gòn - Gia Định, Chiến sĩ 23/10 Khánh Hòa và Biệt động Đà Nẵng, là đại diện cho LLVT 3 miền Bắc - Trung - Nam trong 2 cuộc chiến tranh giải phóng của dân tộc.
Những người lính xúc động khi nhớ lại mùa đông năm 1946, nghe theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", cả Hà Nội và dân tộc cùng đứng lên cầm vũ khí bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, quyết tử để Tổ quốc quyết sinh.
Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, Trưởng ban Liên lạc truyền thống quyết tử Liên khu I, nguyên Trung đội trưởng trực tiếp chiến đấu tại mặt trận nhớ lại: "Ngày ấy, phố phường thành chiến hào, nhà cửa thành công sự. Cả Hà Nội vào cuộc chiến chống lại kẻ thù. Trong suốt 60 ngày đêm khói lửa đương đầu với kẻ thù, ở hầu khắp các đơn vị thuộc Liên khu I đều có sự tham gia của các em nhỏ mà phần đông là con nhà nghèo. 175 em đã tham gia làm cứu thương, tiếp tế, trinh sát, liên lạc như con thoi dưới mưa bom, bão đạn. Không ít thiếu niên mới 13-15 tuổi trực tiếp cầm vũ khí chiến đấu và anh dũng hy sinh. Và họ được vinh dự mang tên "Vệ út quyết tử Thủ đô".
Ông Nguyễn Phúc (một trong những vệ út quyết tử của Thủ đô, giờ đã 74 tuổi) khi đó mới 10 tuổi đã được lựa chọn từ những đội viên tiêu biểu, gan dạ, dũng cảm trong Đội thiếu niên Hoàng Văn Thụ để làm liên lạc viên cho Bắc Bộ Phủ. Ông nói: "Khi ấy, mới chục tuổi đầu, rèn luyện, tôi và nhiều bạn cùng tuổi đều tìm cách trốn tản cư ở lại tham gia kháng chiến với mục đích rất hồn nhiên: ở lại để đánh những đứa đã đốt nhà trên bãi Phúc Tân. Nhưng rồi hòa vào không khí sục sôi của cách mạng, nghe theo lời hiệu triệu của Hồ Chủ tịch, những em bé bán báo, đánh giày cũng sẵn sàng cảm tử vì Tổ quốc".
Trong lần gặp mặt này, ông Đỗ Đình Nga, nguyên Tiểu đội trưởng thuộc Trung đội 2, Tiểu đoàn 101 vẫn không quên nhắc lại kỷ niệm với vệ út Sơn. Ông kể: Đêm 17-2-1947, để tạo thế bất ngờ, ta quyết định rút quân ra khỏi Hà Nội bằng cách chèo đò qua sông Hồng. Khi Trung đoàn đã vượt sông an toàn, giặc Pháp mới phát hiện bộ đội ta rút khỏi Hà Nội. Chúng điều tàu chiến truy kích và gặp chiếc đò cuối cùng của ta vừa cập bến. Hai bên nổ súng một hồi thì tàu chiến của Pháp rút lui. Trên đường rút về Thượng Hội, tôi cùng một đồng chí khác thay nhau cõng Nguyễn Ngọc Sơn lúc đó 11 tuổi là vệ út liên lạc của Trung đội.
Thấm thoắt đã 63 năm, ông Nga nay đã hơn 80 tuổi, ông Sơn vệ út đã ở tuổi 74. Gặp lại nhau sau 63 năm xa cách, các ông vẫn ôm chầm lấy nhau, mừng mừng tủi tủi, cùng hàn huyên về những điều đã trải qua, về đồng đội, về cuộc sống gia đình sau lần gặp lại đầu tiên tháng 2-2009 của hai ông sau 62 năm mất liên lạc.
Không chỉ anh hùng trong thời chiến, những chiến sĩ cảm tử năm xưa, bằng những sự trải nghiệm xương máu của mình vẫn hằng ngày tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương, sản xuất, kinh doanh làm giàu cho gia đình và xã hội; đặc biệt là hoạt động giáo dục truyền thống, giáo dục lối sống cho thế hệ trẻ. Tiêu biểu cho tấm gương về chiến đấu và lao động sản xuất giỏi phải kể đến Anh hùng LLVTND Trần Thu Trang, nguyên là Tổng Giám đốc Trung tâm Thương mại Mê Linh cùng chồng cũng là Anh hùng LLVTND - Trung tá Nguyễn Văn Phùng. Sau thời gian tham gia hoạt động biệt động, họ chuyển ngành sang kinh doanh. Thương trường cũng là một chiến trường đầy cam go, ác liệt nhưng bản lĩnh, ý chí của người lính đã giúp họ dũng cảm, thành công và đứng vững...
Buổi gặp mặt ngày càng sôi nổi với những mốc son lịch sử chói lọi của thời đại Hồ Chí Minh được tái hiện qua từng câu chuyện của các nhân chứng lịch sử - những huyền thoại sống, mãi bất tử cùng đất nước, dân tộc như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ngợi khen: "Trung đoàn Thủ đô tượng trưng cho bộ đội của một dân tộc nhược tiểu quyết tâm không muốn làm nô lệ và đã ngang nhiên chống lại quân đội một nước lớn mạnh của đế quốc chủ nghĩa. Trung đoàn Thủ đô đã nối chí truyền thống oanh liệt của các vị anh hùng thuở trước. Muôn năm tinh thần oanh liệt Thủ đô. Muôn năm tinh thần trung dũng của Trung đoàn Thủ đô".