Thị trường trải qua chín tháng với nhiều biến động, có thể nói Vnindex có một năm thử thách nhất trong bốn năm trở lại đây sau khi thị trường chính thức tạo đáy từ cuối năm 2012. Đến thời điểm này có lẽ không còn quá sớm để nói – năm 2015 là năm của cổ phiếu ngân hàng – khi nhà vua trở lại, sau thời gian ngủ đông quá lâu, người khổng lồ đã thức giấc và nó đã khiến cho cả thị trường chao đảo theo cả chiều lên và chiều xuống. Chính sự tỉnh giấc của cổ phiếu ngân hàng đã vô tình tạo ra những khó khăn cho những nhà đầu tư cá nhân, những nhà đầu tư tham gia thị trường với thói quen nhìn danh mục của mình tăng theo chỉ số, nhưng năm nay là một ngoại lệ. Nhà đầu tư phải chứng kiến ngày một nhiều hơn những phiên giao dịch, những giai đoạn thị trường “bùng nổ” nhưng danh mục của mình không nhúc nhích và không may còn giảm … từ từ. Đó là khi thị trường tăng giá, nhưng khi thị trường giảm giá, các cổ phiếu không hoặc chưa tăng cũng giảm như đã từng được tham gia cuộc đua tăng giá vậy! Và nhà đầu tư “cảm tử”, “cố thủ” danh mục của mình với lý do “chưa tăng thì lấy gì mà giảm” tiếp tục phải gánh chịu những mất mát, thực tế thì danh mục chưa tăng thậm chí còn giảm mạnh hơn. Năm nay cũng là năm đánh dấu sự phân hoá rõ rệt, các cổ phiếu tăng vốn “khủng”, phát hành “sốc” trong các năm trước đó bắt đầu ngấm đòn của thông tư 36, hầu hết đường đi của các cổ phiếu này giống như một viên bi lăn bên phải sườn dốc, thỉnh thoảng có một nhịp bật lên do gặp “ổ gà” – lòng tham của những người chơi ưa mạo hiểm và thích “bắt dao rơi”.
“Phân hoá” có lẽ cũng là tính từ được nhiều người chơi sử dụng trong khoảng nửa tháng trở lại đây sau khi thị trường phục hồi từ vùng 510 điểm. Sự phân hoá này đến từ nhóm doanh nghiệp nằm ở “phía trên bảng xếp hạng”, những doanh nghiệp mà kết quả kinh doanh tiếp tục có những sự tăng trưởng ấn tượng về doanh thu và lợi nhuận khi tận dụng được giá nguyên liệu rẻ giúp hạ giá vốn, những doanh nghiệp tiếp tục cải thiện về sức mạnh tài chính với nợ giảm dần và quỹ tiền mặt chất đầy thêm sau mỗi quý. Chúng tôi đang nhắc đến những doanh nghiệp tiêu biểu của ngành vật liệu xây dựng như BMP, VCS, những doanh nghiệp thuộc ngành hàng tiêu dùng như DQC, LIX hay những ông lớn trong lĩnh vực hạ tầng CTD và cảng biển VSC, còn rất nhiều những doanh nghiệp tiếp tục thể hiện sức mạnh vượt trội của mình bất chấp thị trường trải qua giai đoạn biến động rất mạnh như NCT, SKG, PLC… Đây chính là danh muc chúng tôi đã liên tục khuyến nghị nhà đầu tư trong một tháng trở lại đây và là giải pháp giúp nhà đầu tư cải thiện và thay đổi tình hình tài chính của mình trong một năm đầy khó khăn.
Thị trường sẽ đi ngang trong phần lớn thời gian của quý IV do các nhóm cổ phiếu tác động nhiều đến chỉ số không có nhiều biến động!
Ba nhóm cổ phiếu chúng tôi dự báo sẽ tác động đến xu thế là Ngân hàng, chứng khoán và bất động sản.
Ngân hàng là nhóm chúng tôi đã đề cập ở trên, thay vì giữ vai trò dẫn dắt như chín tháng đầu năm, chúng tôi dự báo ngân hàng chỉ đóng vai định hướng và giữ ổn định thị trường trong quý cuối năm. Với lợi nhuận dự kiến sẽ tiếp tục cải thiện trong các quý cuối năm nhưng chi phí trích lập dự phòng cũng tăng lên tương ứng, cổ phiếu ngân hàng khó có khả năng bứt phá ở vùng giá hiện tại trong phần còn lại của năm. Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư nếu tham gia nhóm ngân hàng nên áp dụng chiến lược trading, mua thấp bán cao trong kênh giá đi ngang trong một tháng vừa qua.
Nhóm cổ phiếu tiếp theo ảnh hưởng đến chỉ số - nhóm chứng khoán. Tuy không có lượng vốn hoá đủ lớn để làm thay đổi chỉ số, nhưng nhóm này đóng vai trò tác động và dẫn dắt tâm lý trên cả hai sàn, đặc biệt khi các rào cản về mặt pháp lý đã được gỡ bỏ hoàn toàn, là nhóm doanh nghiệp duy nhất đến thời điểm hiện tại được mở room 100% cho NĐT NN. Chúng tôi kỳ vọng động lực mua ròng “miệt mài” của khối ngoại và sự kỳ vọng về các chính sách hỗ trợ thị trường chứng khoán sẽ là động lực giúp nhóm cổ phiếu này bay cao vào cuối năm. Chúng tôi nhấn mạnh thời điểm bùng nổ sẽ rơi vào cuối năm, vì vậy các nhà đầu tư tham gia nhóm cổ phiếu này cũng tương tự như nhóm cổ phiếu ngân hàng, xác định chiến lược trading và chỉ nắm giữ khi giá bứt phá khỏi nền tảng đi ngang trong hơn ba tháng qua.
Nhóm cổ phiếu cuối cùng mà chúng tôi đề cập – nhóm bất động sản – không ồn ào như cổ phiếu vua, không được hưởng lợi nhiều trực tiếp từ chính sách như chứng khoán nhưng nhóm bất động sản đang âm thầm “tích luỹ”, có thể thấy khá nhiều cổ phiếu bất động sản giữ giá rất tốt trong các đợt sụt giảm mạnh của thị trường bất chấp kết quả kinh doanh chưa thực sự cải thiện. Đây là nhóm cổ phiếu có vốn hoá tương đối lớn với số lượng doanh nghiệp niêm yết áp đảo, với mặt bằng lãi suất thấp cùng với những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ. Chúng tôi dự báo nhóm bất động sản sẽ sớm nổi sóng, có thể điểm rơi sẽ đến vào cuối quý IV và đầu quý I năm 2016, thời điểm book lợi nhuận ưa thích của các doanh nghiệp bất động sản, là thời điểm chúng tôi sẽ xem xét nghiêm túc việc đưa các cổ phiếu bất động sản vào danh mục đầu tư trung và dài hạn.
Với kiềng ba chân này, chúng tôi cho rằng thị trường sẽ khó lặp lại kịch bản sụt giảm mạnh như trong tháng 8/2015, thay vào đó sẽ là xu thế sideway up trong biên độ hẹp với thanh khoản duy trì ở mức thấp có thể kéo dài trong cả quý IV. Và khi một trong ba nhóm cổ phiếu trên bứt phá, xu thế sideway sẽ kết thúc, chúng tôi dự báo Vnindex sẽ kết thúc năm trên vùng 600 điểm!!!
Nhưng vẫn còn đó những nỗi lo!
Năm nay là năm của những nỗi lo, những quan ngại đến từ bên ngoài rất khó định lượng và nặng yếu tố tâm lý, cảm tính. Đầu năm nhà đầu tư lo về khủng hoảng năng lượng khi giá dầu giảm, mà giá dầu giảm thì … chỉ có các công ty liên quan đến dầu khí bị ảnh hưởng trong khi 9/10 doanh nghiệp niêm yết được hưởng lợi khi giá vốn giảm … nhưng chúng ta vẫn lo. Hết lo giá dầu, nhà đầu tư Việt lại lo đến Hy Lạp, một đất nước mà mọi người biết đến nhiều hơn đến các vị thần thông qua các câu chuyện Thần thoại … hơn là những tác động kinh tế của Hy Lạp đến Việt Nam. Hy Lạp ở lại Eurozone, các nỗi lo bên ngoài đang nguôi ngoai thì bất ngờ Trung Quốc phá giá đồng CNY, cụm từ “chiến tranh tiền tệ” hay “khủng hoảng tiền tệ Châu Á” là hai từ khoá được các nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam tra cứu nhiều nhất qua Google ở thời gian này. Đây là cú sốc thực sự đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, khi chúng ta hoà mình cùng thế giới tạo nên phiên “Thứ hai kinh hoàng” ngày 24/08, nhưng đây cũng chính là thời khắc thử thách xu thế tăng trưởng dài hạn của chỉ số khi vùng 510 điểm bị tấn công và cũng giống như sự kiện biển đông, vùng điểm này tiếp tục là điểm tựa cho uptrend kéo dài theo năm của Vnindex. Nhà đầu tư cần xác định rõ với xu hướng toàn cầu hoá và Việt Nam ngày càng hội nhập sâu thông qua các hiệp định thương mại, những quan ngại luôn thường trực.
Từ nay đến cuối năm vẫn còn một nỗi lo … nhà đầu tư lo FED tăng lãi suất, tác động của việc FED tăng lãi suất đến thị trường chứng khoán Việt Nam khá mơ hồ, trong khi thực tế quyết định giữ nguyên lãi suất 0% của FED trong cuộc họp tháng 9 lại khiến thị trường toàn cầu đổ nhào sau đó do lo ngại về đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại khiến FED trì hoãn hành động. Có vẻ như chúng ta đang lo lắng trong một vòng luẩn quẩn, tăng cũng lo mà không tăng cũng lo, chúng tôi nhận thấy điểm đáng quan ngại và ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản của nhà đầu tư là áp lực rút vốn từ các quỹ ETF. Vì vậy thay vì lo xa … nhà đầu tư nên lựa chọn cho mình một danh mục tạm thời hạn chế nắm giữ các cổ phiếu nằm trong rổ của các quỹ ETF để tránh những rủi ro bất ngờ.
Khi mọi thứ rõ ràng thì tất cả đã quá muộn!
Trong rất nhiều lo ngại hơn một tháng qua, chúng tôi đã khuyến nghị mạnh mẽ nhà đầu tư của mình mua vào SKG vùng (56-59), BMP (97-99), LIX (40-42), VCS(32-34), PLC(32), CTD(94), DQC (56-59), VSC (55-56), NCT (114-116)… Giá cổ phiếu đã hình thành xu thế tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại khi thu nhập quý III tiếp tục tăng trưởng. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nắm giữ và tiếp tục mua vào cổ phiếu khi giá điều chỉnh. Nếu chưa sở hữu bất kỳ cổ phiếu nào vì cho rằng giá quá cao, hãy lấy vị thế với 30% số vốn các anh/chị dự kiến giải ngân và cảm nhận cảm giác đứng trên vai người khổng lồ!
Chúng tôi cho rằng quý IV là quý “êm đềm” nhất trong một năm đầy sóng gió, là khoảng thời gian mà nhà đầu tư có thể kiếm được lợi nhuận dù chỉ số không biến động nhiều, đặc biệt sau khi báo cáo KQKD quý III tiếp tục gợi mở những cơ hội đầu tư đáng giá. Hãy đi theo những kẻ dẫn đầu khi thị trường đang tìm sự cân bằng trước khi xác lập xu thế. Một năm chỉ có một đến hai cơ hội, nếu đã bỏ lỡ nhóm ngân hàng, hãy tận dụng khoảng thời gian này để kết thúc năm tài chính với thắng lợi chung cuộc.
Trân trọng.
Để biết thêm thông tin chi tiết, anh/chị vui lòng liên hệ
Nguyễn Lê Thành Trung - Phó GĐ phụ trách MBS Hải Phòng
Mobile: 0936 858 858
Email: trung.nguyenlethanh@mbs.com.vn
Skype: trungtls2009